Cứ vào ngày 20, 21 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, Lễ hội Đền Cờn lại được tổ chức. Đây đã là một lễ hội truyền thống thuộc loại cổ xưa nhất của xứ Nghệ, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự. Lễ hội mang đậm nét văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người dân biển Quỳnh.
Quý vị hãy cùng tác giả Pham Quoc Dung tìm hiểu về Hội đền Cờn qua bộ tác phẩm “Hội đền Cờn- Ngày hội văn hoá thể thao vùng cửa biển Nghệ An”, để thấy Lễ hội đền Cờn gắn với tín ngường thờ thần Biển – vị thần được thờ phổ biến ở xứ Nghệ, là sự thể hiện nét đặc trưng về văn hóa tâm linh vùng ven biển Nghệ An. Lễ hội mang đậm sắc thái sông nước, phản ánh tư duy nghề nghiệp của những người dân vùng biển. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi Ảnh và Video Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Lễ hội đền Cờn là một trong những lễ hội cổ nhất xứ Nghệ. Theo các tư liệu lịch sử thì đền Cờn được nhà nước phong kiến ban sắc và bảo trợ tôn tạo, tế lễ bắt đầu từ thời Trần Anh Tông (1312) và tồn tại cho đến ngày nay khoảng hơn 800 năm.
Trong lịch sử, Lễ hội đền Cờn đã được các triều đại phong kiến rất quan tâm và liệt vào hàng “quốc tế”. Ngoài việc lưu truyền trong dân gian, lễ hội đền Cờn còn được ghi chép bằng các văn bản, khắc trên bia đá về những quy định, điều khoản chi tiết, cụ thể thành một quy ước bất di bất dịch buộc những người dân trong làng phải tuân thủ.
Tục chạy ói được tái diễn trong lễ hội đền Cờn
Các tích trò trong lễ hội như bơi thuyền, chạy ói… cũng là những trò diễn xướng dân gian vừa phản ánh đặc trưng nghề nghiệp của cư dân miền biển vừa là những hoạt động ôn lại lịch sử, ôn lại quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm của vua tôi nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông và cuộc Nam chinh đánh giặc Chiêm Thành.
Mỗi người dân, khi về với lễ hội đền Cờn, lại hiểu thêm về lịch sử quê hương đất nước, hiểu thêm về truyền thống quê hương qua các hoạt động và các phong tục tập quán lâu đời được thể hiện trong lễ hội.
Lễ hội đền Cờn gắn với di tích đền Cờn, có lịch sử hình thành và tồn tại hàng trăm năm. Dù còn có những giao thoa giữa truyền thuyết và lịch sử nhưng câu chuyện lưu truyền về nguồn gốc của Tứ vị Thánh Nương gắn với sự kiện vua tôi Tống Đế Bính cùng gia quyến bị giặc bức bách, chạy loạn về phương Nam mà trôi dạt đến Cửa Cờn, cũng đã phản ánh một phần về những chi tiết xung quanh sự kiện lịch sử triều đại nhà Tống diệt vong, nhà Nguyên lên nắm quyền ở Trung Quốc thế kỷ XIII./.
Vietnam.vn