Tối 26/1, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Quốc Oai tổ chức Lễ khai mạc “Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết du lịch, quảng bá văn hóa địa phương”, tại trục đường nội bộ khu DG02, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội. Đây là sự kiện mang tính gắn kết khởi nguồn cho những sự kiện tiếp nối sau này.
Phát biểu tại sự kiện, ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) cho biết: Hội chợ được tổ chức là cơ hội tốt để doanh nghiệp giới thiệu về tiềm năng thế mạnh, sản phẩm tiêu biểu của các địa phương, là cầu nối giao thương cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng, thực hiện nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa trên địa bàn thành phố và góp phần quảng bá du lịch, văn hóa của địa phương.
Ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc |
“Với sự nỗ lực của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội, phối hợp nhiệt tình của UBND huyện Quốc Oai và hưởng ứng của của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, chúng tôi tin tưởng Hội chợ sẽ thành công tốt đẹp”, ông Bùi Duy Quang nhấn mạnh.
Theo ban tổ chức, với quy mô hơn 100 gian hàng, Hội chợ thu hút gần 90 doanh nghiệp đến từ 15 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Quốc Oai tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, nông sản thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, gia dụng… cũng như quảng bá hình ảnh về văn hóa, lịch sử của địa phương.
Phó Giám đốc HPA thông tin thêm, nhắc đến Quốc Oai, điều đầu tiên khiến nhiều người nhớ tới là truyền thuyết về thiền sư Từ Đạo Hạnh gắn với cụm Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy, một di sản tiêu biểu của xứ Đoài, mảnh đất địa linh, nhân kiệt, UBND TP. Hà Nội trao quyết định công nhận “Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá” ngày 21/4/2023.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 220 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, còn có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, tiêu biểu như Lễ hội Hát Dô đền Khánh Xuân, xã Liệp Tuyết; hát ví Hàm Rồng, xã Tuyết Nghĩa; nghệ thuật Tuồng thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang; Chiếu Chèo nhạc lễ thôn Tình Lam, xã Đại Thành; nghệ thuật Rối nước xã Sài Sơn… Cùng đa dạng các làng nghề truyền thống, những di tích, danh thắng… Nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng đã và đang được xây dựng.
Các đại biểu tham quan gian hàng |
Cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 20km, Quốc Oai hội tụ cả 2 yếu tố “thiên thời, địa lợi” để phát triển du lịch. Huyện có thể khai thác các tour du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh, tín ngưỡng; phát triển du lịch sinh thái với sản phẩm tiểu thủ công nghiệp – làng nghề; du lịch sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp (OCOP)…
Bên cạnh những di tích lịch sử nổi tiếng, huyện Quốc Oai có 17 làng được UBND TP. Hà Nội công nhận làng nghề và làng nghề truyền thống như: Làng nghề đan nan cót tại xã Tuyết Nghĩa, miến dong làng So, làng mộc Tân Phú… Đây cũng là thế mạnh trong việc phát triển du lịch làng nghề gắn liền với văn hóa địa phương của huyện.
Chương trình có tính thiết thực nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp giữa thành phố Hà Nội với các địa phương khác trên cả nước. Thông qua đó, chương trình nhằm tuyên truyền, giới thiệu các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương trong cả nước quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác; trao đổi học tập kinh nghiệm, tìm kiếm, mở rộng thị trường, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm; kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, qua đó tạo sức hút cho các nhà đầu tư đến kinh doanh, đầu tư và phát triển kinh tế địa phương, góp phần xây dựng thành phố Hà Nội, cũng như huyện Quốc Oai trở thành điểm nhấn trong phát triển thương mại, du lịch trọng điểm.