Ngày 29/7, UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, vào dịp khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu ngày 3/8, thành phố sẽ xuất bản sách với tên gọi “tu bổ di tích Chùa Cầu”.
Theo đó, cuốn sách có nội dung về toàn bộ hồ sơ quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tập hợp, biên soạn và xuất bản.
Cuốn sách mong muốn sẽ đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách gần xa, người dân Hội An có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở dữ liệu lưu trữ quan trọng cho thế hệ hôm nay và mai sau trong công tác quản lý bảo tồn, phát huy.
Trước đó, ngày 25/7, sau gần 20 tháng trùng tu, toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn bao quanh chùa cầu được tháo dỡ.
Diện mạo mới của Chùa Cầu xuất hiện sau trùng tu đã nhận nhiều ý kiến trái chiều về màu sơn khá tươi mới, nhiều người cho rằng màu sơn này làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của công trình biểu tượng trong phố Hội An.
Theo UBND TP Hội An, từ khi được xây dựng đến nay, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996.
Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu.
Do Chùa Cầu ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, ngày 16/8/2016, Hội thảo quốc tế về trùng tu Chùa Cầu được tổ chức quy mô với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản.
Kết quả Hội thảo dù chưa đưa ra giải pháp cho từng vấn đề cụ thể nhưng đã đi đến thống nhất quan điểm chung là Chùa Cầu cần thiết và cấp thiết phải được xây dựng một dự án trùng tu tổng thể, căn cơ vì mục tiêu gìn giữ nguyên vẹn và lâu dài giá trị di tích.
Từ đó, công tác chuẩn bị tu bổ Chùa Cầu được tập trung đẩy mạnh trên nhiều phương diện về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; khảo sát, khảo cổ đánh giá tình trạng kỹ thuật, dấu vết nguyên trạng; vẽ ghi, số hóa kiến trúc; xác định quan điểm, nguyên tắc, giải pháp tu bổ; tham vấn chuyên gia; tổ chức lập, thỏa thuận, thẩm duyệt hồ sơ…
Ngày 28/12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.
Theo UBND TP Hội An, có gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.
Về màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu, UBND TP Hội An cho biết được quyết định giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.
UBND TP Hội An thông tin thêm, việc phục hồi màu sắc dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần mới ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích.
Tuy nhiên, ý kiến góp ý của người dân và du khách những ngày qua, lãnh đạo TP Hội An cho biết, đang giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sơn lại công trình cho sát với màu cũ của Chùa Cầu hơn.
Được biết, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%.
Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích – Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn.
>>> Một số hình ảnh của Chùa Cầu sau khi trùng tu:
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hoi-an-se-son-lai-chua-cau-xuat-ban-sach-ve-qua-trinh-tu-bo-19224072912190237.htm