Sau vệt phóng sự “Những bất cập trong thực hiện chủ trương luân chuyển giáo viên” đăng trên trang 5 Báo Quân đội nhân dân, số ra từ ngày 7 đến 10-8, chúng tôi nhận được phản hồi của các nhà giáo, nhà quản lý, đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu tâm huyết với giáo dục. Các ý kiến không chỉ bày tỏ quan điểm đồng thuận về vấn đề vệt bài nêu lên, mà còn tiếp tục đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm giải quyết những bất cập hiện nay trong công tác luân chuyển giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn.
TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trách nhiệm trả lời một phần thuộc về các nhà lập pháp và xây dựng chính sách
Chuỗi bài viết về bất cập trong quá trình thực hiện chủ trương đưa giáo viên miền xuôi lên công tác miền núi đã thể hiện một cách tiếp cận đa chiều, không ít trăn trở với những câu hỏi, những khoảng lặng, những góc khuất phía sau hành trình “đi gieo con chữ” đầy gian nan của các thầy cô giáo-có lẽ vì thế mà chủ đề dù không mới nhưng thực sự để lại nhiều suy ngẫm. Trách nhiệm trả lời những câu hỏi này, một phần thuộc về các nhà lập pháp và xây dựng chính sách, khi cơ sở pháp lý cho việc luân chuyển giáo viên còn bỏ ngỏ; một phần thuộc về các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương, khi bài toán về khắc phục tình trạng thừa-thiếu giáo viên vẫn chưa thể có lời giải thỏa đáng.
Vấn đề càng trở nên có ý nghĩa hơn trong bối cảnh hiện nay, vì vấn đề làn sóng giáo viên nghỉ việc gia tăng đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội; và lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quyết định tổ chức gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến vào ngày 15-8 vừa qua.
Rõ ràng, rất cần lấp đầy khoảng trống pháp lý để thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ vấn đề nâng cao chất lượng và thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục cho vùng cao. Một mặt, cần rà soát, điều chỉnh các quy định về cơ chế luân chuyển giáo viên miền xuôi tăng cường cho miền núi, tiêu chí phải minh bạch, trách nhiệm phải rõ ràng, để bảo đảm chính sách đối với giáo viên “cắm bản” được thực thi. Mặt khác, cần có giải pháp (bao gồm cả việc xem xét, xây dựng cơ chế bảo đảm chất lượng cho chính sách cử tuyển) để các tỉnh miền núi chủ động chuẩn bị số lượng giáo viên là người địa phương hoặc tự nguyện gắn bó lâu dài với địa phương. Đây là giải pháp có tính bền vững đối với nguồn nhân lực trong ngành giáo dục miền núi.
Thiết nghĩ, những vấn đề này cần được đặt ra và giải quyết trong luật điều chỉnh về nhà giáo, dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XV vào cuối năm 2024.
Học sinh và giáo viên vùng khó khăn rất cần những điều kiện học tập tốt. Ảnh: Khánh Hà |
PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Đào tạo giáo viên theo địa chỉ đóng vai trò quan trọng
Trong bối cảnh thừa-thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, luân chuyển giáo viên là một giải pháp quan trọng để bảo đảm chất lượng giáo dục. Đây là chủ trương lớn, có ảnh hưởng đến đội ngũ nhà giáo và chất lượng giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, việc luân chuyển giáo viên cần được thực hiện một cách khoa học và hợp lý để bảo đảm quyền lợi của giáo viên và chất lượng giáo dục. Nội dung các bài báo đã nêu bật được thực trạng cũng như tâm tư của những người trong cuộc về vấn đề này. Một số nơi đã làm được khá tốt công tác luân chuyển giáo viên nhưng chưa đủ. Những nơi gặp nhiều cản trở cần phải có giải pháp mạnh, có hiệu quả hơn. Giáo viên luân chuyển cần được bảo đảm quyền lợi về lương, thưởng, phụ cấp và các chế độ khác.
Để giải quyết câu chuyện luân chuyển, hoạt động đào tạo giáo viên theo địa chỉ ở các địa phương đóng vai trò quan trọng. Các cấp quản lý cần đầu tư nhiều hơn nữa vào công việc này, đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo giáo viên và các địa phương. Những cơ sở đào tạo giáo viên cũng cần xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của địa phương và đặc điểm của những sinh viên sẽ trở về quê hương làm giáo viên tại những vùng khó khăn này.
Cùng với đó, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; các nghị định, hướng dẫn của Chính phủ nhằm giải quyết khó khăn nói trên, trong đó cho Bộ GD-ĐT được tự chủ về biên chế và tài chính. Quay lại quy định cụ thể về vấn đề luân chuyển giáo viên phù hợp với điều kiện hiện nay. Nếu thực hiện mức lương ở bậc cao nhất và ưu tiên cho miền núi, vùng sâu, vùng xa như Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 đã nêu thì việc luân chuyển sẽ thuận lợi.
————-
Đồng chí Nguyễn Văn Định, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp: Cần rà soát lại các quy định về công tác luân chuyển giáo viên
Luân chuyển giáo viên là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đã có nhiều quy định liên quan của Trung ương (và địa phương) thay đổi theo thời gian. Vì thế, còn rất nhiều giáo viên đã hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian dài nhưng chưa được “hồi hương”. Bất cập này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý giáo dục hiện nay, nhất là đối với giáo dục ở các vùng kinh tế khó khăn bởi khi chưa “an cư” thì không thể “lạc nghiệp”.
Để khắc phục thực trạng này, cần có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Đó là rà soát lại các quy định liên quan đến công tác luân chuyển giáo viên, cần thiết phải có bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm các quyền lợi cho những người tham gia. Các quy định hiện hành phải có tính kế thừa và “có trách nhiệm với lịch sử”. Cùng với đó là tuyên truyền, vận động những giáo viên đang thực hiện nhiệm vụ luân chuyển gắn bó lâu bền với địa phương. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hạ tầng để giảm khoảng cách chênh lệch giữa giáo dục các vùng miền. Về lâu dài, đẩy mạnh công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đủ sức đảm đương nhiệm vụ.
———————
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam: Ngành giáo dục phải có quyền thực sự
Những vấn đề mà loạt bài nêu ra rất xác thực, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhiều giáo viên đã công tác lâu năm ở vùng khó khăn. Một trong những vấn đề lớn của giáo viên bám bản trở về là khó cạnh tranh với giáo viên vùng thuận lợi khi thi tuyển. Giáo viên vùng thuận lợi thường có năng lực và nhiều kinh nghiệm giảng dạy hơn. Họ cũng có nhiều cơ hội học tập và bồi dưỡng chuyên môn hơn. Bên cạnh đó, không ít giáo viên dưới xuôi vì để có một công việc ổn định đã phải lựa chọn bám bản dạy học ở các vùng khó khăn, nơi có điều kiện giảng dạy và học tập kém hơn. Sau nhiều năm “cắm bản”, kiến thức, phương pháp dạy học của họ bị hạn chế, nhiều thầy cô không có nguyện vọng xin về.
Bài toán luân chuyển này sẽ được giải quyết khi mặt bằng kiến thức, trình độ giáo viên giữa các vùng có sự đồng đều; đồng thời nhận thức của người học được nâng lên thì mới mong muốn lựa chọn thầy cô có kiến thức chuyên môn tốt, có đủ năng lực để dạy con em mình, dạy cho trường mình. Tôi tin rằng giáo viên người địa phương có thể đóng góp nhiều cho sự phát triển giáo dục ở vùng khó khăn, nếu họ được tạo điều kiện học tập và phát triển nghề nghiệp tốt hơn; cùng với đó là thực hiện chính sách ưu đãi đối với giáo viên công tác ở vùng khó khăn. Chúng ta phải “cởi trói”, giao quyền tự quyết thực sự cho ngành giáo dục.
———————
Cô giáo Hoàng Thị Thuận, Trường Tiểu học và THCS Sùng Đô (Văn Chấn, Yên Bái): Giáo viên muốn chuyển phải vững vàng về kiến thức
Là một giáo viên với hơn 30 năm công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, tôi thấy ở những địa phương này, người dân chưa thấy hết sự cần thiết của việc học tập. Giáo viên vẫn phải đi “dỗ” học sinh đến trường, chưa kể mùa vụ, thời tiết mưa lũ ảnh hưởng đến sự chuyên cần, chất lượng dạy và học. Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập cũng chưa được bảo đảm… Như vậy, lâu năm sẽ làm mai một kiến thức của giáo viên ở những nơi này.
Để giải quyết bài toán luân chuyển giáo viên, theo kinh nghiệm địa phương đã thực hiện, được đông đảo giáo viên ủng hộ, tôi cho rằng cần có sự công khai trong luân chuyển căn cứ vào nguyện vọng, số năm công tác tại vùng khó theo quy định; giáo viên muốn chuyển phải thực sự vững vàng về kiến thức, tự tin về năng lực chuyên môn, trách nhiệm, năng động, sáng tạo. Điều đó không phải chỉ căn cứ vào bằng khen, giấy chứng nhận mà còn là sự tiến bộ của học sinh. Những giáo viên như vậy cho dù họ công tác ở đâu cũng luôn tạo được sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh, sự yên tâm của các nhà quản lý.
QĐND
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.