Xuất khẩu sắn hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD Giá sắn xuất khẩu tăng 18% trong 4 tháng |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 6 đã thu về hơn 68 triệu USD với sản lượng đạt 141.228 tấn, tăng mạnh 19,2% về lượng và tăng 31,7% về trị giá so với tháng 5/2024.
Lũy kế trong nửa đầu năm, sản lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đã thu về hơn 630 triệu USD, tương đương hơn 1,3 triệu tấn, tuy giảm 7,7% về lượng nhưng tăng 6,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 600 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính |
Điểm sáng của xuất khẩu sắn trong nửa đầu năm là giá xuất khẩu chứng kiến mức tăng mạnh. Giá xuất khẩu bình quân đạt 454 USD/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục giữ ngôi vị là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tỷ trọng lớn nhất. Cụ thể trong 6 tháng, thị trường này đã nhập khẩu hơn 1,26 triệu tấn sắn từ Việt Nam với kim ngạch đạt 569 triệu USD, giảm 6% về lượng tuy nhiên tăng 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 451 USD/tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu sắn lớn thứ 2 của Việt Nam với 35.849 tấn, trị giá gần 10,1 triệu USD, giảm 54% về lượng và giảm 62% về kim ngạch. Giá xuất khẩu giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt 306 USD/tấn.
Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 3 với 27.697 tấn, tương đương hơn 15 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 15% về trị giá. Giá xuất khẩu cũng ghi nhận tăng 11%, đạt 553 USD/tấn.
Bên cạnh 3 thị trường chủ đạo trên, nước ta còn xuất sang các thị trường khác như Malaysia, Myanmar, Nhật Bản,…
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, diện tích sắn trên cả nước đạt khoảng 511,5 nghìn ha, giảm 18,8 nghìn ha so với năm 2022. Sản lượng ước đạt 10,43 triệu tấn củ tươi, giảm khoảng 196,3 nghìn tấn so với năm 2022. Cùng với Thái Lan, nước ta hiện đang thống lĩnh nguồn cung xuất khẩu toàn cầu với kim ngạch năm 2023 đạt hơn 1,3 tỷ USD.
Xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc trong những tháng qua là qua đường biển cao hơn hẳn so với xuất khẩu biên mậu. Số liệu của Agromonitor – Phân tích thị trường nông sản cho hay, trong thời gian từ 1 – 28/6, xuất khẩu tinh bột sắn qua đường biển đạt gần 84 nghìn tấn, cao gấp 5,5 lần so với lượng tinh bột xuất khẩu qua biên mậu.
Các thương nhân ngành sắn Việt Nam đang kỳ vọng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sẽ khởi sắc trở lại từ tháng 7 này. Về sắn lát, dự báo các nhà máy Trung Quốc có thể sẽ mua hàng trở lại khoảng từ tháng 7/2024, khi tồn kho hàng sắn lát tại Trung Quốc đang cạn dần do giảm mạnh nhập khẩu trong thời gian qua.
Trong bối cảnh giá nhiều loại lương thực ở châu Âu đang tăng cao, đặc biệt là lúa mì, các doanh nghiệp Việt Nam cần chớp thời cơ để mở cửa thị trường cho sản phẩm sắn tại EU.
Theo tin từ các nhà máy sắn, nhu cầu hỏi mua hàng phía Trung Quốc có tín hiệu khởi sắc hơn khi nhu cầu sản xuất mùa bánh trung thu đang đến gần. Trong bối cảnh đồng đô la Mỹ tăng giá so với đồng nhân dân tệ, khách hàng Trung Quốc muốn mua theo CNY thay vì USD. Cùng với đó, xu hướng giá mua tinh bột sắn bằng đồng nhân dân tệ tăng nhẹ.
Hiệp hội sắn Thái Lan công bố giá bán tinh bột sắn giảm 05 USD/tấn so với tuần trước đó, ở mức 530 USD/tấn FOB Bangkok (công bố ngày 09/07/2024) do chuẩn bị bước vào vụ mới.
Hiện các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá, trong khoảng 495 – 520 USD/tấn FOB cảng Hồ Chí Minh. Theo tin từ các đơn vị xuất khẩu sắn lát, hiện nay, khách hàng Trung Quốc có tín hiệu quay lại hỏi hàng và chấp nhận giá cao hơn khoảng 5 – 7 USD/tấn do Thái Lan tăng giá. Tuy nhiên, do nguồn sắn lát tồn kho của Việt Nam vụ 2023 – 2024 không nhiều, nên các đơn vị xuất khẩu vẫn chờ giá tăng thêm mới bán.
Cây sắn mỗi năm mang về kim ngạch hàng tỷ USD cho Việt Nam. Bên cạnh củ sắn mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, các bộ phận khác của cây cũng đều mang lại giá trị kinh tế cao và nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm.
Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn, tinh bột sắn biến tính, các sản phẩm từ tinh bột sắn. Thân sắn dùng để làm giống, làm nấm, làm củi đun, nguyên liệu cho công nghiệp xenlulo. Lá sắn được sử dụng để làm thức ăn trong chăn nuôi như nuôi cá, nuôi tằm và sau đó được xuất sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, các khu vực đông người châu Á sinh sống.