SGGPO
Chiều 26-7, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu để kỳ vọng đạt 3,05 tỷ USD vào cuối năm.
Theo số liệu từ Bộ NN-PTNTT, tổng diện tích trồng điều năm 2023 đạt khoảng 320.000ha, giảm 2.300ha so với năm 2022; tuy nhiên, sản lượng đạt 345.000 tấn điều, tăng 3.300 tấn so với năm trước.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 1,44 triệu tấn điều thô. Trong 6 tháng đầu năm, ngành điều xuất khẩu được trên 279.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,6 tỷ USD, tăng 9,49% về lượng và tăng 7,65% về trị giá.
Từ năm cuối năm 2023 kỳ vọng điều nhân xuất khẩu đạt hơn 3 tỷ USD |
Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải lưu trữ hàng trong kho với thời gian dài hơn bình thường dẫn đến chất lượng nguyên liệu khi đến người mua sẽ giảm. Cùng với đó, doanh nghiệp chế biến không có nhiều áp lực phải mua, trữ nguyên liệu so với mọi năm, do đã có đủ sản lượng hàng cần thiết cho sản xuất đến hết quý 4 năm nay và quý 1 năm 2024.
Mặt khác, giá điều đang khá cạnh tranh với các loại hạt khác và sản lượng dồi dào, các nhà bán lẻ đẩy mạnh nhiều chương trình quảng bá, khuyến mãi để kích cầu mua sắm.
Dự báo đến cuối năm, với kịch bản “tốt”, các doanh nghiệp tồn kho hàng có thể kích cầu, đẩy nhanh tiêu thụ sẽ giúp giảm lượng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ lớn gồm Mỹ, Châu Âu, góp phần ổn định giá và chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Mặt khác, chi phí đầu vào tăng, giá vỏ tiếp tục giảm sẽ làm cho các doanh nghiệp chế biến cân đối giá bán ra nếu không muốn bị thua lỗ.
Thêm vào đó, cũng có hai kịch bản, thứ nhất nếu mùa vụ Đông Phi, Indonesia diễn ra không thuận lợi, giá điều thô sẽ tăng vào dịp cuối năm. Ngược lại, nếu mùa vụ Đông Phi, Indonesia diễn ra thuận lợi, thì lượng điều thô cung ứng ra thị trường tiếp tục tăng, giá điều thô tiếp tục giảm.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS đề nghị, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) hỗ trợ xử lý vướng mắc về chứng thư kiểm dịch thực vật điện tử của Bờ Biển Ngà và các quốc gia khác; tăng cường nhân lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình lấy mẫu, kiểm hóa tại kho vào cả ngày thường và ngày cuối tuần, góp phần giải phóng hàng hóa nhanh tại cảng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành tăng cường thông tin về thị trường, khách hàng, xu hướng tiêu dùng và các rủi ro về thương mại tại các thị trường nước ngoài và hỗ trợ doanh nghiệp ngành điều khi có những khó khăn không lường trước được có thể xảy ra.
* Báo SGGP ra ngày 26-7 có thông tin: “Nhiều container nông sản xuất sang Trung Đông… bị lừa”. Cùng ngày 26-7, ngay khi nhận được văn bản của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) báo cáo một số mặt hàng: hạt tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi từ Việt Nam xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang có dấu hiệu gian lận thương mại (từ cùng một bên mua là Bab A1 Rehab Foodstuff Trading LLC, cùng một ngân hàng tên là Ajman Bank JSC tại Dubai, UAE), Bộ NN-PTNT đã có công hàm gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội.
Bộ NN-PTNT đề nghị Đại sứ quán UAE tại Hà Nội xin ý kiến các cơ quan hữu quan của UAE kịp thời ban hành lệnh tạm giữ lô hàng hoa hồi tại cảng và điều tra 4 lô hàng hạt điều, gia vị đã giao trước đó (mà không được thanh toán).
Như Báo SGGP đã đưa tin, 4 container hạt điều và gia vị, trị giá gần 400.000 USD, đã bị thất lạc ngay sau khi cập cảng Jebel Ali của UAE. Còn 1 container hoa hồi, theo lộ trình cập cảng Jebel Ali vào ngày 26-7, cũng có nguy cơ bị mất cắp nếu các cơ quan có liên quan của Dubai không kịp thời ngăn chặn hành động thông quan để giải phóng lô hàng tại cảng.
PHÚC VĂN