Với các doanh nghiệp (DN) nợ thuế, hiện đã có các quy định về thu hồi nợ, cưỡng chế. Song, thực tế khó khăn cũng đặt ra vấn đề quản lý nợ hiệu quả, để DN có thể “sống sót” và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình.
Nợ thuế tăng
Mới đây, Cục Thuế TPHCM công bố danh sách 198 DN nợ thuế, đầu bảng là Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil nợ hơn 1.500 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Golden Hill nợ gần 1.300 tỷ đồng. Hàng chục công ty nợ thuế trăm tỷ đồng, như Công ty CP Hưng Thịnh Land nợ 548 tỷ đồng, Công ty CP Phát triển và kinh doanh nhà nợ hơn 600 tỷ đồng, Công ty CP Property X nợ hơn 236 tỷ đồng…
Không chỉ ở TPHCM, một số địa phương khác cũng công bố nhiều DN nợ thuế với số tiền “khủng”, như Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (tỉnh Thái Bình) nợ 1.780 tỷ đồng, Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng…
Theo lãnh đạo ngành thuế, những DN bị “bêu” tên là DN đã nợ thuế trong thời gian dài, địa phương đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng không có kết quả. Cụ thể, cơ quan thuế trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; phong tỏa tài khoản; ngừng sử dụng hóa đơn; thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ… Các biện pháp cưỡng chế sẽ chấm dứt hiệu lực khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.
Tổng cục Thuế cho biết, tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm 30-12-2023 là 163.591 tỷ đồng, tăng 2,6% so với thời điểm 30-11-2023, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tiền nợ thuế tăng so với năm 2022 một phần do DN gặp nhiều khó khăn, tài sản đều đã thế chấp ở ngân hàng nên khi thực hiện cưỡng chế thì chưa thu hồi được. Một số người nộp thuế rời bỏ thị trường làm tăng tiền nợ thuế khó thu. Thêm vào đó, khó khăn chung của thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động các DN kinh doanh bất động sản, dẫn đến nợ các khoản thu từ đất tăng cao. Ngoài ra, các khoản tiền thuế được gia hạn theo Nghị định 12/2023, Nghị định 36/2023 đã hết thời gian gia hạn, nhưng người nộp thuế gặp khó khăn, chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước cũng là nguyên nhân làm tăng nợ thuế.
Vừa đôn đốc thu, vừa gỡ khó cho doanh nghiệp
Bối cảnh khó khăn chung của DN khiến công tác thu thuế kém thuận lợi hơn các năm. Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là làm cách nào để việc “siết nợ” thuế không góp phần đẩy các DN đang lao đao xuống bờ vực, không còn khả năng hoạt động để tiếp tục nộp thuế. Bởi các biện pháp cưỡng chế ít nhiều đều gây khó, áp lực để buộc DN phải trả nợ thuế. Chẳng hạn, khi bị áp dụng biện pháp ngưng sử dụng hóa đơn, nếu DN tiếp tục phát sinh hoạt động kinh doanh thì phải mua hóa đơn lẻ và chấp nhận nộp 18% giá trị hóa đơn.
Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Tiến Dũng cho biết, cơ quan thuế kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế, tuy nhiên cũng cố gắng bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của từng DN để động viên, tháo gỡ cho DN nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Cục Thuế TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng lập đoàn công tác, đôn đốc các DN có số nợ lớn hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2023, ngành thuế đã thu hồi được 41.557 tỷ đồng. Một số cục thuế làm tốt công tác thu hồi nợ thuế, như: Hải Phòng, Quảng Nam, Hậu Giang, TP Hà Nội, Phú Thọ, Bà Rịa – Vũng Tàu… Tại TPHCM, tính đến ngày 30-11-2023, Cục Thuế đã thực hiện các biện pháp xử lý, thu hồi 23.000 tỷ đồng, đạt 88,2% so với cùng kỳ. Cục Thuế TPHCM cũng thực hiện khoanh nợ cho 130.989 lượt người nộp thuế với số tiền nợ thuế 4.844,7 tỷ đồng; đề nghị UBND TPHCM và Tổng cục Thuế ban hành quyết định xóa nợ và đã có quyết định xóa nợ đối với 19.706 người nộp thuế (tổ chức, DN) với số tiền 619,4 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2024, với nhóm nợ có khả năng thu, nếu nợ thuế dưới 90 ngày thì cơ quan thuế thực hiện ngay các biện pháp như gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền nợ thuế, đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh. Với những khoản nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế thuộc trường hợp phải cưỡng chế; khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo quy định; các khoản nợ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt ở nhóm ngành xăng dầu, bất động sản…
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, năm 2024, ngành thuế tiếp tục phân tích sâu theo từng sắc thuế nợ, nhóm nợ, đánh giá biện pháp áp dụng ở các địa phương. Tổng cục trưởng cũng yêu cầu các cục thuế địa phương đánh giá kỹ các biện pháp cưỡng chế, không để cưỡng chế đùng một cái khiến DN “chết đứng” mà khối nợ vẫn còn nguyên. Ngành thuế cũng hướng tới tự động hóa công tác quản lý nợ, theo dõi, cảnh báo nợ tự động tới cơ quan thuế và người nộp thuế.
KHÁNH CHÂU