Mới đây ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó nhiều điểm mới về xét tuyển sớm. Cụ thể, các đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12, bắt buộc có Toán hoặc Văn, theo dự thảo của Bộ Giáo dục.
Xét tuyển bằng học bạ khó phản ánh năng lực thực chất của học sinh (Ảnh: Vũ Bằng) |
Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng điểm học bạ hiện tại không chuẩn xác, không phản ánh được năng lực thực chất của học sinh. Ngày trước, ở cấp THPT, những lớp bình thường (không phải lớp chọn) hiếm khi xuất hiện các em đạt học lực giỏi, còn xếp loại khá cũng chiếm chưa đầy phân nửa sĩ số lớp. Mà điểm tổng kết trung bình chỉ khoảng 6,5 đến 7 phẩy là đã thuộc xếp loại khá rồi.
Bây giờ, đa số các lớp tổng kết học bạ toàn 7, 8 phẩy nhưng dường như chất lượng học tập không hề tăng lên, kiểm tra thật có khi chỉ 3, 4 điểm. Hiện tượng các em học sinh hổng kiến thức căn bản phổ thông cho tới kiến thức đại học đã không còn xa lạ, tuy nhiên, vẫn đỗ đại học nhờ xét tuyển học bạ.
Có phụ huynh chia sẻ, con em mình sau khi cắp cặp đi học đại học bốn năm, tốn mấy trăm triệu đồng của bố mẹ, nhưng khi ra trường chỉ thích đi bán hàng thuê vì kiến thức phổ thông còn bập bẹ, không có chuyên môn. Với năng lực như thế, vị phụ huynh đành ngậm ngùi cất tấm bằng đại học của con, rồi cố đầu tư mở cho một quán ăn nhỏ để em kiếm sống qua ngày.
Nhiều người đánh giá, giờ để vào học đại học quá dễ dàng, nhưng chất lượng sinh viên thì rất tệ. Trừ mấy trường top đầu ra, còn lại đa phần những trường top dưới, xét tuyển bằng học bạ với mấy môn thi tốt nghiệp (điểm toàn 8, 9, 10) thì lấy đâu ra chất lượng thực tế?
Quan sát điểm chuẩn kết quả học tập ở bậc THPT vào đại học những năm gần đây, một giáo viên luyện thi tại TP. Hồ Chí Minh cũng tỏ ra “khó chịu” với điểm học bạ và hình thức xét tuyển vào đại học này.
Nhà giáo này cho biết, điểm chuẩn theo hình thức xét học bạ đang không ngừng tăng, kéo theo không ít ngành nghề đào tạo ở nhiều trường điểm chuẩn gần tuyệt đối 10 điểm mỗi môn trong tổ hợp môn. Vì vậy, ông đưa ra quan điểm đầu vào đại học nên hạn chế hoặc bỏ việc xét tuyển theo phương thức học bạ, hạn chế sự tiếp tay cho tiêu cực, cho điểm số không thực chất, cho tình trạng học sinh giỏi tràn lan, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào đại học.
Hơn nữa, việc dùng điểm học bạ để xét tuyển đại học sẽ là rất thiếu công bằng với các học sinh ở những khu vực khác nhau. Giống như nhà giáo này, nhiều người cũng bày tỏ sự không ủng hộ việc tuyển sinh đại học chỉ bằng điểm học bạ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bỏ qua hoàn toàn điểm học bạ. Đây vẫn là yếu tố đánh giá cần thiết để tránh việc học sinh học lệch, lười học các môn khác.