SGGP
Giải pháp nào khả thi trong bối cảnh hiện nay? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trung Việt (ảnh), nguyên Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN-MT TPHCM, hiện là chuyên gia tham mưu cho TPHCM trong điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040.
Theo TS Nguyễn Trung Việt, trong bối cảnh việc xử lý rác thải vẫn được thực hiện theo địa giới hành chính ở từng địa phương và chi phí cho vấn đề này còn khá khiêm tốn (chỉ bằng 1/2 so với bình quân của thế giới), việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực thi, nên việc đầu tư xây dựng mô hình bãi rác chôn lấp tuần hoàn là phù hợp, khả thi nhất.
TS Nguyễn Trung Việt |
Phóng viên: Thưa ông, như vậy vẫn là chôn lấp? Chôn lấp tuần hoàn khác với chôn lấp hiện nay như thế nào?
TS NGUYỄN TRUNG VIỆT: Bãi rác chôn lấp tuần hoàn trước hết là bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh. Nghĩa là bãi rác được đầu tư xây dựng với đầy đủ các tiêu chí về an toàn như có lớp lót ngăn nước rỉ rác thẩm thấu xuống đất, có hệ thống ống thu gom nước rỉ rác và ống thu gom khí gas đạt chuẩn; rác sau khi được thu gom về sẽ được phủ bạt, phun chế phẩm để hạn chế mùi hôi… Tuy nhiên, bãi rác chôn lấp tuần hoàn khác các bãi rác chôn lấp hiện nay là được xây dựng theo từng ô chứa rác. Diện tích ô này như thế nào, tùy địa phương tính toán nhưng theo tôi nên xây đủ cho việc thu gom rác trong vòng 1 năm. Bởi lẽ, sau khi rác đã đầy ô, sẽ được ủ kỵ khí. Thời gian ủ cho rác phân hủy hoàn toàn là 5 năm. Sau 5 năm này, ô rác sẽ được mở ra và khai thác. Theo đó, rác thực phẩm đã phân hủy thành phân compost có thể dùng làm phân bón (cho cây lớn, không phải rau vì phân có thể vẫn còn dính nhựa, hóa chất chưa phân hủy hết, người dùng rau có thể bị nhiễm độc); phần nhựa, kim loại chưa phân hủy đem tái chế lại và phần rác xà bần sử dụng để san lấp. Do đó, nếu xây với diện tích này thì các địa phương chỉ phải xây 5-6 ô là có thể xoay vòng ủ rác, để tiết kiệm đất.
Hiện nay ở nhiều địa phương đã có kế hoạch đốt rác phát điện. Nếu dùng phương pháp này sẽ giải quyết căn cơ hơn tình trạng rác thải quá tải?
Rác thải sinh hoạt của Việt Nam chủ yếu là rác thực phẩm, có nhiều nước nên đốt cho cháy hoàn toàn, tốn rất nhiều chi phí. Chưa kể trong rác còn rất nhiều chất thải rắn nguy hại thải ra trong quá trình sinh hoạt mà nhiều người dân không biết vẫn vứt chung với rác thực phẩm như pin, chai nhựa đựng hóa chất… Những chất này nếu không đốt hết hoặc đốt không đúng sẽ phát sinh khí dioxin, rất nguy hiểm. Chưa kể, trên thực tế nhiều nhà máy đốt rác hiện nay vẫn chưa thể đốt hết các loại rác nhựa, kim loại, xà bần… và phải đem chôn các loại rác này (sau đốt không hết). Do đó, trước khi quyết định đầu tư xử lý rác theo mô hình nào, các chủ đầu tư nên cân nhắc kỹ.
Một nhà máy xử lý rác ở Hà Nội nằm sát khu dân cư. Ảnh: QUANG PHÚC |
Ở nhiều địa phương, vẫn chưa có quy định cụ thể về tái chế rác thải nhựa, kim loại. Hầu hết các cơ sở tái chế nhựa và kim loại đang hoạt động vẫn gây ô nhiễm môi trường. Chôn lấp tuần hoàn cũng chưa giải quyết căn cơ được rác thải nhựa và kim loại…
Quy định về tái chế nhựa và kim loại chưa cụ thể, rõ ràng nên đúng là thực tế đang có nhiều cơ sở tái chế hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Bộ TN-MT và các bộ ngành liên quan nên xem xét và có hướng xử lý ngay. Bởi lẽ, hoạt động tái chế giúp sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và nhiều nước giàu cũng đang áp dụng. Việt Nam cũng không nên là ngoại lệ. Mỗi phương pháp xử lý rác đều có ưu và nhược điểm riêng, các địa phương có thể căn cứ vào khả năng của mình để chọn giải pháp xử lý rác phù hợp.
Ông NGUYỄN THƯỢNG HIỀN – Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ TN-MT:
Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa diễn ra rất nhanh, khiến tỷ lệ lượng rác thải rắn sinh hoạt tăng nhanh trong khi điều kiện hạ tầng chưa theo kịp, ý thức của người dân, doanh nghiệp cũng chưa cao. Hệ quả, dễ dàng quan sát bằng mắt thường, là hàng loạt bất cập, ngay từ nguồn phát sinh cho đến thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt. Công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn ở Việt Nam mới mang tính chất khuyến khích, chưa bắt buộc áp dụng. Công nghệ là vấn đề lớn hiện nay, nhưng dù là công nghệ nào thì khi nguồn rác còn chưa được phân loại thì cũng rất khó áp dụng và chi phí sẽ bị “đội” lên cao. Yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực này là phải có định mức kinh tế kỹ thuật rõ ràng, minh bạch tùy theo công nghệ được áp dụng.
Ông NGUYỄN QUỐC TUẤN – Nguyên Phó Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng:
Hiện nay, việc quy hoạch xử lý rác thải sinh hoạt theo địa giới hành chính cấp tỉnh là chưa hợp lý, khó mời gọi được nhà đầu tư có năng lực. Các địa phương nên liên kết để xây dựng khu xử lý quy mô, ít nhất khoảng 50ha để thu gom xử lý chất thải rắn cho các thành phố, thị xã trong cự ly vận chuyển tối đa 40km.
BẢO VÂN ghi