Giờ thì Võ Đăng Khoa (sinh năm 2001) đã về quê nhà ở Chợ Mới (tỉnh An Giang) làm một “chú công an”. Trước đó không lâu, ở tuổi 22, anh ra mắt tập truyện ngắn đầu tay Lạc đà bay (NXB Trẻ), nhận được nhiều lời khen của bạn đọc và giới chuyên môn.
Đến bây giờ, tôi vẫn còn ấn tượng và nhớ mãi lời giới thiệu của nhà văn Đoàn Thạch Biền trên Tập san Áo Trắng, viết về Võ Đăng Khoa: “Thú thật năm tôi học lớp 11 (ngày xưa gọi là lớp đệ nhị), tôi chưa viết được truyện ngắn như Võ Đăng Khoa. Vậy mà Khoa đã viết truyện Như con chim doóc doóc trong kỳ nghỉ hè lớp 10 và chuẩn bị vào lớp 11. Nhà nghèo, mỗi khi nghỉ học Khoa phải ra đồng phụ cha chăn vịt. Công việc chăn vịt cực khổ đã được Khoa viết rất sinh động trong bài tạp bút Mênh mông tiếng vịt phía đồng…”.
Năm ấy, Võ Đăng Khoa đang là học sinh lớp 11A2, Trường THPT Ung Văn Khiêm, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ở tuổi 16, Khoa khiến tôi bất ngờ khi viết được một truyện ngắn về những phận người nơi quê hương cậu hay đến như vậy. 16 tuổi nhưng Khoa tỏ ra là người có đầu óc quan sát vô cùng tinh tế. Khoa cũng đã biết bố cục một truyện ngắn như thế nào cho thật hoàn chỉnh và hấp dẫn. Khi tôi đưa lời giới thiệu của nhà văn Đoàn Thạch Biền lên trang cá nhân, một người bạn đã vào bình luận: “Bạn này khéo lại là một Nguyễn Ngọc Tư tương lai”.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Võ Đăng Khoa ra Hà Nội để vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Thật mừng khi không theo văn chương hay báo chí nhưng Khoa vẫn chăm chỉ viết, đều đặn xuất hiện bằng những truyện ngắn chững chạc. Liệu Võ Đăng Khoa có trở thành Nguyễn Ngọc Tư thứ hai hay không, có lẽ vẫn còn cần thêm thời gian. Nhưng với tập truyện ngắn Lạc đà bay, anh tiếp tục mang đến cho bạn đọc niềm hy vọng về một cây bút đầy hứa hẹn của miền Tây.
Gia tài truyện ngắn của Võ Đăng Khoa không phải là ít, nhưng khác với đa số người viết trẻ, ở cuốn sách đầu tiên, thường gom tất cả những truyện đã in báo thành tập. Khoa thì kỹ lưỡng và chọn lọc hơn, vậy nên, tập truyện Lạc đà bay cũng chỉ vỏn vẹn 10 truyện ngắn. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để người đọc hình dung về Võ Đăng Khoa cũng như văn chương của anh. Trên khung nền của những câu chuyện, bối cảnh, con người ngỡ đã rất quen thuộc; bằng nỗ lực của mình, bằng giọng văn dung dị, bình thản, Võ Đăng Khoa đã tái hiện những mảnh đời khiến ai đọc xong cũng không khỏi rưng rưng. Phải yêu và thương mảnh đất, con người quê mình đến mức nào thì Khoa mới có thể viết được như vậy.
Nhà văn Văn Thành Lê, khi đọc Lạc đà bay đã nhận xét: “Cảm giác với văn chương, Khoa không chỉ bước vào một cách đĩnh đạc mà còn rất điềm tĩnh, chắc chắn, không ồn ào nóng vội, dù đã kịp nhận một vài giải thưởng lớn nhỏ ở các cuộc thi. Tập truyện mỏng, chỉ 10 truyện ngắn với gần 150 trang in, nhưng dày và nặng về văn phong, lối viết cùng sức dung chứa ở mỗi truyện, so với tuổi 22 của Khoa”.
Ngoài tập truyện Lạc đà bay, Võ Đăng Khoa còn đạt một số giải thưởng về văn chương như: Giải nhì cuộc thi viết “Trái tim có nắng” của Báo Mực Tím năm 2017, Giải nhì cuộc thi Truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa – Văn nghệ tổ chức năm 2019, Giải nhất cuộc thi Truyện ngắn trẻ do Quán Chiêu Văn tổ chức năm 2021, Giải ba cuộc thi Truyện ngắn hay do Tạp chí Văn nghệ TPHCM tổ chức năm 2022, giải nhì Văn học trẻ của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2022.
QUỲNH YÊN