Xanh mát U Minh
Cà Mau gắn với địa danh U Minh Hạ, nơi mà vùng đất có một mùa mà sẽ chẳng nhầm lẫn với bất cứ nơi đâu. Bởi nét đặc trưng thú vị, đầy lãng mạn, mang đến sự trù phú, tạo nên khí khái hào sảng cho người dân U Minh, đó là mùa sa mưa, khi nước đầy rừng.
Mùa sa mưa, nước rừng U Minh hạ lên cao, rừng tràm bạt ngàn bốn bề xanh mát, cũng là mùa biết bao sản vật nơi đây sinh sôi nảy nở, làm nên nét văn hóa đặc thù của vùng đất U Minh. Những sản vật thiên nhiên phong phú dồi dào chỉ có ở rừng U Minh nước nổi mưa sa.
Sau mùa gặt, người U Minh đón mùa sa mưa ở rừng bằng nghề bơi xuồng đi giăng lưới, đặt lọp, đặt trúm, đặt lờ, đặt dớn… để bắt cá, ếch, lươn, rùa, rắn. Hay thủng thẳng xách giỏ vô rừng hái bông súng, đọt choại, rau chóc, hẹ nước,… về ăn. Thậm chí, những sản vật tự nhiên có sẵn của rừng như vậy còn cải thiện thu nhập cho gia đình.
Anh Phạm Duy Khanh, Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, chủ Ðiểm Du lịch sinh thái Mười Ngọt cho biết, mùa sa mưa cũng là mùa sản vật dưới tán rừng sinh sôi rạo rực để góp thêm cho cuộc sống sung túc, giàu đẹp của người dân nơi đây. Hưởng lộc của rừng, những người thợ rừng U Minh Hạ quyết lưu giữ nghề truyền đời “nhất phá sơn lâm” mà tiền nhân đã khai lập, trao truyền lại cho hậu thế.
“Rau rừng mùa này đủ loại, chỉ cần quơ tay một chút là có mớ rau tạp tàng. Thêm mớ cá đồng với lươn đồng đổ lợp tối qua, vậy là đã có món lẩu mắm, lẩu chua đúng điệu dân dã của xứ rừng U Minh.”
Làm giàu từ sản vật của rừng
Dưới tán rừng mưa sa ào ạt, người ngồi quây quần bên nhau với rổ rau rừng mướt mắt, nồi lẩu đồng bung tỏa hương vị quê hương, chỉ cần chạm bằng mắt thôi cũng thấy thỏa mãn cơn thèm. Nhấp thêm ngụm rượu cay, hòa thêm vị mắm đồng đượm mặn, xua tan cái lạnh mùa mưa, nghe ấm cái tình người của vùng đất phương Nam.
Thấu hiểu cái tình, cái thú của người Cà Mau mùa sa mưa, anh Khanh đã làm du lịch từ ao ước muốn mọi du khách đến U Minh hạ được cái cảm giác nếm trãi ấy.
Đến điểm Du lịch Mười Ngọt, du khách sẽ tự mình làm một nông dân U Minh hạ chính hiệu. Tự thưởng thức cảm giác “nhất phá sơn lâm” làm nhân vật là thợ rừng ngày xưa trong “Đất rừng Phương Nam”, hay đơn giản tự xả stress bằng màu xanh bạt ngàn U Minh Hạ.
Ở đây, du khách có thể tự mình bơi xuồng đi hái đọt choại, bẻ trái giác trong rừng. Hay xoắn quần xách lợp ra bìa rừng đặt, hồi hộp đợi sau cơn mưa đêm, cái lợp nặng trĩu cá đồng, nếu may mắn cũng có thể được con rùa con rắn. Nhiều người thì chọn cách khác, vác theo cần câu lặn lội cả ngày trong rừng, mang theo niềm tin chinh phục sẽ bắt được vài kg cá lóc lớn.
Anh T. một bác sĩ nổi tiếng ở TP HCM cho biết, mùa mưa anh thường “đi trốn” ồn ào đô thị của Sài Gòn bằng mấy ngày đi câu cá ở U Minh hạ. Một mình tự lái ô tô vài trăm km đến đây, mang theo mớ lương khô để cả ngày lặn lôi trong rừng. “Có bữa chỉ vài con cá lóc nhỏ, nhưng có hôm được cả chục kg cá lóc, trê. Bỏ vào thùng mang về nhà để ăn, tặng bạn bè vài con. Mệt, nhưng lại cực kỳ hạnh phúc vì được thưởng thức cảm giác mình là một thợ rừng U Minh chính hiệu” – anh T nói.
Hướng đi của du lịch bền vững
Cà Mau có hai hệ sinh thái mặn, ngọt đại diện bởi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ, được xếp vào Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được tổ chức gần đây cũng tạo thêm nhiều lựa chọn cho du khách, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Cà Mau. Ông Tiêu Minh Tiên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà May cho biết, những năm gần đây, ngành du lịch Cà Mau đã có nhiều đột phát thành công, một trong số đó chính là lựa chọn phát triển du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên và làng nghề truyền thống. Mà trong đó, cảm giác thích thú của du khách khi vào rừng U Minh hạ mùa sa mưa đang là một điểm mạnh độc đáo để thu hút du khách.
“Theo đó, tỉnh Cà Mau tập trung phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt phát triển du lịch cộng đồng với những tour du lịch đi sâu vào rừng, bãi bồi ven biển để du khách thưởng ngoạn. Song song, tổ chức các hình thức du lịch trãi nghiệm để du khách cảm nhận được sự khác biệt về cảnh quan, cảm giác mới lạ so với nhiều nơi trong nước và trên thế giới.”