SGGPO
Chiều 1-8, Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao cùng các quận, huyện tổ chức họp báo sự kiện Lễ hội sông nước trên địa bàn TPHCM, diễn ra từ ngày 4 đến 6-8, nhằm quảng bá vùng đất, con người, bản sắc văn hóa đặc trưng… của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
Khách tham quan sông Sài Gòn bằng buýt đường sông. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ước tính sự kiện thu hút hàng chục ngàn lượt người dân, du khách tham dự.
Lễ hội diễn ra tại cảng Sài Gòn – cảng hành khách tàu biển, công viên bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, bến Bình Đông và các khu du lịch, điểm đến trên địa bàn. Bên cạnh đó, còn có những hoạt động thể thao dưới nước như giải đua thuyền ở bến Bạch Đằng, trình diễn dù lượn, trình diễn bay bằng ván phản lực nước – flyboard, trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao…
Ngoài ra, vào các buổi tối, từ 30-40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn trang trí rực rỡ diễu hành dọc bờ sông để quảng bá về lễ hội…
Khách quốc tế lên thuyền thưởng thức bữa tối cùng các tiết mục văn nghệ đặc sắc, ngắm sông Sài Gòn về đêm |
Điểm nhấn của lễ hội là show diễn thực cảnh “Dòng sông kể chuyện” lúc 20 giờ ngày 6-8, tại cảng Sài Gòn – cảng hành khách tàu biển… Chương trình tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người qua các thời kỳ Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – TPHCM trong 5 chương Khẩn hoang – Xây thành – Trên bến dưới thuyền – Thương cảng phồn vinh.
Chương trình có trên 750 diễn viên, nghệ nhân dân gian cùng ê kíp đạo diễn, chuyên gia, nghệ sĩ hàng đầu trong ngành nghệ thuật cùng bắt tay thực hiện sự kiện.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa trao đổi tại buổi họp báo, chiều 1-8 |
Trao đổi tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho hay, cha ông chúng ta đến khẩn hoang vùng đất Nam bộ gắn với những dòng sông, có những bến chợ, làng nghề gắn liền các địa danh lịch sử, từ đó phát triển những thương cảng sầm uất…
Lễ hội nhấn mạnh đến tính tương tác, trải nghiệm giữa người dân với du khách… Ví dụ, đi cà kheo, lựa đậu, gánh nước qua cầu, viết thư pháp, hướng dẫn làm diều nghệ thuật…
Video giới thiệu về Lễ hội sông nước TPHCM |
Từ đầu năm đến nay, TPHCM đón trên 2,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 208,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 47,2% so với kế hoạch; khách nội địa khoảng 18,6 triệu lượt, tăng 40% so với cùng kỳ 2022; tổng doanh thu du lịch đạt hơn 93.500 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ và đạt 58,5% so với kế hoạch đặt ra trong năm nay.
“Thị trường chính của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Mỹ… Thông qua hoạt động lần này, chúng tôi mong muốn phát triển lễ hội thành chương trình thường niên, tạo tính lan tỏa đến với cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến TPHCM”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh.
Nhiều hoạt động thú vị tại lễ hội
+ Từ 7 giờ đến 8 giờ ngày 4-8, khai mạc Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ 1 năm 2023 tại Di tích Cột cờ Thủ Ngữ, quận 1.
+ 20 giờ ngày 6-8, diễn ra Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Dòng sông kể chuyện” tại Cảng Sài Gòn – Cảng Hành khách tàu biển.
+ Từ 9 giờ đến 20 giờ 30 ngày 4 đến 6-8, Không gian “Trên bến dưới thuyền” diễn ra tại quận 1 (tại Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè) và quận 8 (Khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông, phường 13, quận 8)…
Có khoảng 30 gian hàng giới thiệu ẩm thực vùng miền, bánh dân gian, trái cây ngon, sản phẩm đặc trưng… để người dân, du khách tham quan và mua sắm; tổ chức hoạt động nghệ thuật dân gian và các chương trình biểu diễn nghệ thuật tối ngày 4 và 5 tháng 8-2023.
+ Từ 20 giờ đến 21 giờ 30 ngày 5-8 tại Bến Bạch Đằng sẽ trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao; Biểu diễn ván phản lực; Biểu diễn Fly Board; Phối cảnh thuyền buồm Sailing trên sông…
+ Song song đó là các chương trình nghệ thuật khác như Nghệ thuật cải lương tại sân khấu phía trước Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo, quận 1) từ 19 giờ 30 đến 20 giờ 30 ngày 4-8…
Chương trình quảng bá nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội tại Lăng Ông Lê Văn Duyệt (số 1 Vũ Tùng, quận Bình Thạnh) từ 9 giờ 30 đến 11 giờ ngày 6-8…
+ Trang trí ánh sáng nghệ thuật tại khu vực công viên bến Bạch Đằng và trang trí các mô hình, cụm tiểu cảnh mang biểu tượng TPHCM tại công viên Lam Sơn, công viên 30-4, cảng Sài Gòn – cảng Hành khách tàu biển, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè…