Lễ hội Áo dài TPHCM vừa đánh dấu chặng đường 10 năm bằng việc xác lập kỷ lục Việt Nam “Lễ hội Áo dài TPHCM – Lễ hội tôn vinh và quảng bá áo dài Việt Nam được tổ chức thường niên liên tục nhiều nhất” (10 lần, từ năm 2014-2024). Một thập niên đã qua của lễ hội là một hành trình của tình yêu dành cho áo dài, minh chứng chiều sâu văn hóa và bản sắc dân tộc trong dòng chảy phát triển năng động của thành phố.
Nhiều điểm nhấn
Tròn 10 ngày diễn ra liên tục (từ ngày 7 đến 17-3), Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 10 đã mang đến nhiều trải nghiệm cho người dân, du khách trong và ngoài nước bởi hàng loạt hoạt động sôi nổi, đặc sắc tại các địa điểm: Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Lam Sơn, Nhà văn hóa Thanh niên, Bảo tàng Áo dài, Quảng trường QT4 (Công viên Bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức)… cùng các di tích lịch sử – văn hóa, điểm đến du lịch, các công trình của TPHCM. Lễ hội có nhiều sự kiện điểm nhấn đáng ghi nhận: 5.000 người mặc áo dài đồng diễn, chương trình nghệ thuật “Áo dài – Sắc màu TPHCM”, tọa đàm “Nét đẹp áo dài Việt và hội nhập quốc tế”; cuộc thi “Duyên dáng áo dài TPHCM”…
Không gian triển lãm và nhiều hoạt động tương tác với chiếc áo dài cũng liên tục được tổ chức trong thời gian diễn ra lễ hội, như: các cuộc thi vẽ, trình diễn áo dài cùng triển lãm về sự hình thành áo dài; hoạt động trải nghiệm từ may, đo đến trình diễn với các đại sứ áo dài; tương tác truyền thông trên các trang mạng xã hội tạo xu hướng về áo dài; khuyến khích tăng trưởng cung – cầu, thúc đẩy phát triển về kinh tế được đẩy mạnh nhờ lễ hội… Đặc biệt là các hoạt động nhân văn về chiếc áo dài được triển khai rộng rãi, có sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng. Hàng triệu chiếc áo dài, vải may áo dài được quyên góp để trao tặng những người yếu thế, công nhân, nông dân, chị em nội trợ có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể diện những chiếc áo dài trong những ngày trọng đại, lễ tết…
Cô Nguyễn Thị Thu (58 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bày tỏ: “Trong lễ hội năm nay, nhiều hoạt động tương tác giữa người dân, du khách với áo dài rất gần gũi. Bên cạnh đó, những mô hình biểu tượng độc đáo được dựng lên tại các khu vực trung tâm thành phố, các quận, huyện giúp bà con có thể lưu lại những bức ảnh kỷ niệm khi tham gia sự kiện rất hay. Áo dài nào giờ mình cũng mặc trong dịp lễ tết nhưng thực sự có được ngày hội để tôn vinh chiếc áo mang đậm nét truyền thống như thế này cần rất nhiều nỗ lực, sự đồng lòng của cả thành phố”.
Những con số ấn tượng trong hành trình 10 năm:
– Quy tụ 50 nhà thiết kế trên khắp cả nước đồng hành với hơn 500 bộ sưu tập áo dài gồm 100.000 thiết kế độc đáo.
– Hơn 300 nhà may áo dài tại TPHCM đồng hành cùng lễ hội.
– Gần 1 triệu lượt người hưởng ứng mặc áo dài trong tháng 3 hàng năm.
– Hàng trăm triệu lượt tương tác, chia sẻ thông tin trên báo đài, trang mạng xã hội trong và ngoài nước.
Để di sản được công nhận và phát triển bền vững
Trong không khí rộn ràng những ngày diễn ra lễ hội, ông Martin Koerner, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, nhận định: “Áo dài không chỉ là một trang phục truyền thống mà còn đại diện cho linh hồn Việt Nam. Chiếc áo dài góp phần kể nên những câu chuyện về lịch sử phong phú và văn hóa rực rỡ”.
Còn bà Adriane Feo Labrada, Tổng lãnh sự Cuba tại TPHCM, chia sẻ, ý nghĩa của chiếc áo dài đã vượt ra ngoài khái niệm thời trang, đó là sự hòa quyện của bản sắc và di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trong khi đó, bà Milena Padula, Chủ tịch CLB Lãnh sự tại TPHCM, phu nhân Tổng lãnh sự Italia, đã bày tỏ tình yêu với chiếc áo dài: “Tôi rất vui khi thấy các bạn trẻ mặc áo dài trong dịp tết, các ngày lễ quan trọng khác và chụp nhiều bức ảnh đẹp. Tôi yêu vẻ đẹp thanh lịch của áo dài và sự khéo léo của các nhà thiết kế khi tạo ra chiếc áo làm cho người mặc trở nên đẹp, phong cách hơn”.
Trước những nhận định, tình cảm của đại diện các đơn vị, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam cũng như sự hưởng ứng của người dân, du khách về áo dài, lễ hội áo dài, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, xúc động khi nhìn lại chặng hành trình 10 năm của Lễ hội Áo dài TPHCM.
Bà Ánh Hoa cho biết, với mong muốn gìn giữ, tôn vinh và quảng bá chiếc áo dài truyền thống Việt Nam ra thế giới, xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2014, Lễ hội Áo dài TPHCM lần đầu tiên được tổ chức tại Công viên Văn hóa Đầm Sen. Qua 10 năm, lễ hội đã trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch định kỳ tiêu biểu của thành phố, để lại ấn tượng sâu sắc, gợi nhớ đến một thành phố, một đất nước hiền hòa, duyên dáng giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, góp phần định vị thương hiệu du lịch TPHCM trên thị trường quốc tế.
“Lễ hội đã và đang góp phần quan trọng trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa, trang phục truyền thống. Đây là động lực để chúng tôi thực hiện những lễ hội tiếp theo, giúp áo dài không chỉ sống trong đời sống của người dân mà còn trở thành một biểu tượng văn hóa Việt Nam”, bà Ánh Hoa bày tỏ.
Hành trình 10 năm từ một sự kiện du lịch trở thành một sự kiện văn hóa – du lịch đặc trưng với những cột mốc thể hiện nội lực, tầm nhìn, sức sáng tạo và sự đồng lòng của TPHCM. Năm 2014, với chủ đề “Áo dài và hoa”, lễ hội được tổ chức nhỏ gọn tại Công viên Văn hóa Đầm Sen. Đến năm 2016, lễ hội mở rộng tổ chức ở Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM và các bảo tàng. Năm 2017, lễ hội lần đầu tiên tổ chức ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, có sự kiện 3.000 người đồng diễn áo dài. Năm 2018, lần đầu tiên lễ hội có sự tham gia của các đại sứ hình ảnh là nhà thiết kế, người nổi tiếng. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, lễ hội phải chuyển qua tổ chức vào tháng 10. Năm 2023, lễ hội được tổ chức rộng khắp từ khu vực trung tâm thành phố đến các quận, huyện và chính thức trở thành lễ hội của công chúng, dành cho công chúng. Năm 2024, lễ hội hướng đến chặng đường mới, tập trung những giá trị truyền thống và trở thành cảm hứng cho nhiều tỉnh thành khác cùng tổ chức các hoạt động văn hóa tôn vinh áo dài.
Trải qua bao biến động của lịch sử, áo dài trở thành bản sắc Việt, là niềm tự hào và là dấu ấn thời trang, văn hóa Việt trên thế giới. Giờ đây, trong bối cảnh hội nhập, đáp ứng với xu thế phát triển của thời đại, áo dài liên tục có những cách tân và sự biến đổi sáng tạo thông qua các bàn tay khéo léo của các nhà thiết kế cùng nguồn cảm hứng bất tận từ văn hóa, vẻ đẹp đất nước. Tuy nhiên, để áo dài Việt giữ được nét riêng biệt, cổ truyền đặc sắc vốn có, kết hợp hài hòa với đường nét hiện đại, cũng như để áo dài được công nhận trở thành di sản văn hóa của Việt Nam cần sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả cộng đồng. Trong đó, cần có sáng kiến thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy bền vững các nét đẹp, giá trị của tà áo dài Việt cũng như sớm đưa áo dài được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Di sản văn hóa của thế giới. Và hơn hết, là trách nhiệm bảo tồn phom dáng, sắc màu, chất liệu áo dài xưa của các tiền nhân. Sự bảo tồn đó phải được phát triển phù hợp với hiện đại để áo dài, di sản phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng: Tà áo dài góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 10 cho thấy sự đột phá vượt trội về quy mô và chất lượng với chuỗi 15 hoạt động phong phú. Lễ hội năm nay mang đậm yếu tố hội nhập thông qua tọa đàm “Nét đẹp Áo dài Việt và hội nhập quốc tế” tạo môi trường giao lưu văn hóa giữa các nước, đưa chiếc áo dài gắn bó hơn với bạn bè quốc tế.
Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của áo dài cũng chính là góp phần nuôi dưỡng, vun đắp, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đề nghị Sở Du lịch, Sở VH-TT, Sở Ngoại vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và Ban tổ chức Lễ hội Áo dài TPHCM tiếp tục phát huy và có nhiều ý tưởng sáng tạo, hấp dẫn hơn nữa cho chặng đường dài tiếp theo của lễ hội.
TIỂU TÂN