Ngày 25-4, tại TPHCM, Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp Vụ Kinh tế, công nghiệp, dịch vụ – Bộ KH-ĐT tổ chức Hội thảo tham vấn “Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Kinh tế, công nghiệp dịch vụ – Bộ KH-ĐT nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Quyết định 882/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh có 10 định hướng chiến lược với các ngành, lĩnh vực và 8 nhóm giải pháp, nhấn mạnh giải pháp ưu tiên, khả thi, sẵn sàng nguồn lực, đồng lợi ích và có khả năng lan tỏa thay vì các phương án chỉ khả thi về kinh tế; trong đó, giải pháp về truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức được quan tâm, ưu tiên xếp ngay sau giải pháp về hoàn thiện thể chế chính sách tại chiến lược.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về truyền thông và nâng cao nhận thức được giao tại chiến lược và kế hoạch hành động của Chính phủ, Bộ KH-ĐT phối hợp đối tác ETP/UNOPS triển khai dự án Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong chuyển dịch năng lượng thông qua truyền thông đa phương tiện.
Bà Nguyễn Ngọc Thủy, Điều phối viên quốc gia của ETP/UNOPS, cho rằng “Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng” hướng đến mục tiêu đặt người dân làm trung tâm, bảo đảm mọi chủ thể trong xã hội tham gia tích cực, chủ động vào quá trình chuyển dịch năng lượng.
Sự chuyển đổi hướng tới năng lượng sạch và tăng trưởng xanh sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới về việc làm, phát triển công nghệ tiên tiến, tăng trưởng kinh tế và xã hội, nhưng cũng đặt ra nhiều bài toàn khó cho các nền kinh tế, bao gồm: làm thế nào để giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo. Chuyển dịch năng lượng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, thay vì mỗi tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân đơn lẻ.
Tại hội thảo, nhà báo Dương Trọng Dật, nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận định: “Chúng ta cần tập trung vào việc truyền thông một cách bài bản và hiệu quả về lợi ích lâu dài của năng lượng sạch”.
Để làm được điều này, theo nhà báo Dương Trọng Dật, có thể thành lập ngay một “câu lạc bộ phóng viên năng lượng sạch”, nhằm tập hợp các nhà báo quan tâm và có chuyên môn về lĩnh vực này. Đồng thời, cần thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các tờ báo để tổ chức các trang chuyên đề về “Năng lượng sạch”, trong đó có sự tham gia của chuyên gia, nhà kinh tế và ý kiến của cộng đồng. Qua việc tuyên truyền mạnh mẽ và liên tục, có thể tiến đến mục tiêu lớn hơn là từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch.
Một số ý kiến tại hội thảo cho rằng, giai đoạn 2023-2025, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam ngày càng tăng cao, ước tính 8,5%/năm. Trong bối cảnh như vậy, việc hiểu về các khía cạnh của năng lượng và thay đổi hành vi là điều quan trọng. Truyền thông là một phương thức hiệu quả và không thể thiếu. Việc này đã được nhấn mạnh trong các các văn bản pháp lý quan trọng hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh như: Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch điện 8 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8.
ĐỨC TRUNG