Liên tiếp trong 3 tháng qua, Chính phủ đã có 4 công điện, văn bản chỉ đạo bình ổn giá vàng, lần mới nhất là ngày 11-5. Các văn bản ra đời trong bối cảnh thị trường vàng nhốn nháo, giá tăng liên tục, kéo giãn rộng giá vàng trong nước và thế giới, trở thành kênh đầu cơ, trục lợi, tạo nên bất ổn cho nền kinh tế.
Nếu tính từ ngày 20-3, thời điểm Thủ tướng ký công điện yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, buổi sáng cùng ngày giá vàng SJC bán ra 81,6 triệu đồng/lượng, thì đến ngày 11-5, Chính phủ ban hành văn bản yêu cầu Ngân hàng nhà nước kiểm tra, thanh tra… thao túng vàng, giá vàng SJC buổi chiều giá bán ra là 91,3 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chưa đầy 2 tháng, nếu mua 1 lượng vàng SJC đã thu lợi gần 10 triệu đồng! So sánh như vậy để thấy rằng, mua một sản phẩm chỉ có tăng giá, chắc chắn đó là mảnh đất màu mỡ cho giới đầu cơ tung hoành! Cho dù các giải pháp hành chính được ban hành nhưng thị trường vàng vẫn như con ngựa bất kham. Mặt khác, các phiên đấu giá đã cung cấp vàng đáng kể ra thị trường, đến thời điểm này cũng chưa phát huy hiệu quả.
Giá vàng tăng liên tục, ai sẽ hưởng lợi? Liệu có phải là các doanh nghiệp kinh doanh vàng?! Thế nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Chẳng hạn, Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), dù đang giữ “thương hiệu quốc gia” vàng SJC, nhưng đến nay những việc liên quan đến hoạt động của thị trường vàng lại không mang lại lợi nhuận đáng kể.
Trong báo cáo trình UBND TPHCM ngày 25-3 vừa qua, kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm nay của SJC là 70,2 tỷ đồng, nhất là thuế và các khoản phải nộp nhà nước chỉ là 93,6 tỷ đồng. Tiếp đó, với giá vàng cao ngất ngưởng, đối tượng nào sẽ mua? Rõ ràng, những người lao động phổ thông, người lao động có mức thu nhập trung bình, hoặc công chức…, chắc chắn không thể có nhiều tiền, cũng như dư thời gian để hàng ngày theo đuổi quá trình mua bán qua lại.
Phân tích như vậy để thấy rằng đối tượng mua vàng không phải là đại bộ phận người dân. Vàng cũng không phải là mặt hàng thiết yếu trong đời sống hàng ngày như cơm, rau, cá, thịt, sữa, thuốc… đòi hỏi phải cung ứng đầy đủ. Vàng là mặt hàng đặc biệt, do vậy phải chịu sự kiểm soát khác.
Chúng ta đã rất thành công khi chấn chỉnh, dẹp vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục không cho nhập khẩu vàng để cung ứng cho nhu cầu là chính sách đúng. Bởi vì nhu cầu hiện nay là đầu cơ, bản chất của đầu cơ là lĩnh vực nào có lời nhiều là đổ tiền vào, lúc đó sẽ hút mất nguồn lực của nền kinh tế.
Dù giá vàng trong nước không thể đứng ngoài dòng chảy của giá vàng thế giới, nhưng chúng ta cần có chính sách quản lý tổng thể. Đó là, bên cạnh việc bán vàng phải xuất hóa đơn điện tử từng lần theo chỉ đạo mới đây của Chính phủ thì mua bán vàng phải bắt buộc chuyển khoản, không được giao dịch bằng tiền mặt.
Đây là một cách kiểm soát chặt dòng tiền, có thể phát hiện luồng tiền bất minh… Cũng như bao kênh đầu tư khác, việc mua bán vàng phát sinh lợi nhuận thì phải đóng thuế. Việc này khá dễ dàng, khi bán vàng, căn cứ trên hóa đơn để biết được lợi nhuận, phải đóng thuế phần lợi nhuận phát sinh. Nên chăng tổ chức tập huấn cho các tiệm vàng việc thu thuế thay cho nhà nước, nếu không xuất hóa đơn và thu thuế lợi nhuận cho nhà nước sẽ bị phạt mạnh tay. Việc này có làm được không, câu trả lời là được.
Lấy ví dụ từ thị trường bất động sản. Trước đây thường xuyên xuất hiện việc khai báo giá ảo để trốn thuế, nhưng những năm gần đây cơ quan thuế đã yêu cầu người bán phải khai giá giao dịch thật, trong trường hợp không đồng ý sẽ bị chuyển hồ sơ mua bán cho cơ quan điều tra. Nhờ đó mà ngành thuế đã truy thu khá nhiều tiền cho ngân sách.
Trong hoạt động giao dịch vàng cũng vậy, nên chăng tăng cường quản lý nhà nước bằng những giải pháp hiệu quả để triệt tiêu tình trạng đầu cơ. Lúc đó dòng tiền mới có thể đổ vào sản xuất – kinh doanh, nền kinh tế mới phát triển ổn định, tăng trưởng bền vững, chính là mục đích chúng ta hướng đến.
LƯƠNG THIỆN