SGGP
Người trẻ đi bảo tàng đang nổi lên như trào lưu trong đời sống nghệ thuật Hàn Quốc, giúp thay đổi mạnh mẽ cách cảm nhận, tiêu thụ và đánh giá nghệ thuật.
Người trẻ chụp ảnh tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tại Coex ở phía Nam Seoul. Ảnh: KOREA HERALD |
Duyệt qua bộ sưu tập ảnh trên điện thoại của mình, anh Kim – cư dân Seoul 28 tuổi – thích thú xem lại những khoảnh khắc trong một cuộc triển lãm nghệ thuật gần đây.
Chia sẻ với tờ The Korea Herald, anh Kim cho biết: “Thói quen chụp những bức ảnh nghệ thuật có được kể từ khi tôi tình cờ thấy các bài giới thiệu tác phẩm nghệ thuật đăng trực tuyến của bạn tôi. Không chỉ thưởng thức nghệ thuật, việc được chụp ảnh cùng các tác phẩm sắp đặt này trong cùng một khung hình khiến tôi cảm thấy mình là một người tham gia tích cực”.
Tại Hàn Quốc, một triển lãm nghệ thuật được coi là “bom tấn” khi đạt 100.000 lượt khách tham quan. Nhưng Bảo tàng quốc gia về Nghệ thuật hiện đại và đương đại (MMCA) ở thủ đô Seoul đã thu hút 930.000 lượt khách tham quan triển lãm kéo dài 5 tháng của nghệ sĩ sắp đặt địa phương Choe U-Ram. Cuộc triển lãm này có chủ đề Little Ark, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật động học và cơ khí.
Giới phân tích nghệ thuật cho rằng, thành công vang dội của các cuộc triển lãm gần đây là nhờ “thế hệ MZ” (nhóm thế hệ Millennials và thế hệ Z), gồm những người sinh từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 2010, khao khát những trải nghiệm nghệ thuật mới lạ.
Dữ liệu từ MMCA cho thấy, trong nửa đầu năm nay, thế hệ MZ chiếm 63% tổng số khách tham quan bảo tàng MMCA tại 3 chi nhánh ở Seoul, Cheongju thuộc tỉnh Bắc Chungcheong và ở Gwacheon thuộc tỉnh Kyunggi. Trước đó năm 2019, tỷ lệ tổng hợp của du khách ở độ tuổi 20 và 30 tại 3 chi nhánh MMCA cộng với địa điểm Deoksugung đạt tổng cộng 47%.
Một triển lãm cá nhân khác của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan, được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Leeum ở Yongsan (Seoul), từ ngày 31-1 đến 16-7 vừa qua, cũng đã thu hút khoảng 250.000 lượt khách tham quan, trong đó 28% ở độ tuổi 20, 24% ở độ tuổi 30. Đây là số lượng khách cao nhất mà bảo tàng tư nhân này từng ghi nhận.
Sự hấp dẫn của triển lãm nằm ở chỗ cho phép du khách đi lại tự do và chụp ảnh. Các hình thức đăng tải trên mạng xã hội đa dạng, chẳng hạn như các “story” hay “reel” trên Instagram, đã giúp truyền tải một cách hiệu quả chất lượng trực quan sinh động của tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều bảo tàng vẫn thận trọng chỉ định các khu vực được chụp ảnh và chia sẻ trực tuyến.
Lý do của bảo tàng rất đơn giản: “Khi chúng tôi biết được xu hướng chia sẻ ảnh từ các cuộc triển lãm nghệ thuật trên mạng xã hội ngày càng tăng, chúng tôi đã quyết định khuyến khích du khách tập trung hơn vào chính các tác phẩm nghệ thuật”.
Một số người nói rằng, mong muốn được xác nhận và công nhận đang thúc đẩy làn sóng nghệ thuật mới trong giới trẻ. Với họ, nghệ thuật không còn là thứ để chỉ quan sát một mình trong im lặng mà là để trải nghiệm và chia sẻ. Khám phá các hoạt động mới thông qua mạng xã hội có thể nâng cao kiến thức văn hóa của một người, nuôi dưỡng cảm giác an toàn và kết nối như một phần của văn hóa chính thống.
Theo Giáo sư tâm lý học Kwak Keum-joo tại Đại học Quốc gia Seoul, không chỉ tìm thấy niềm vui khi chia sẻ thông tin, người ta còn được tận hưởng cảm giác vượt trội về văn hóa khi chia sẻ và chứng minh bản thân đã được nâng cấp. Tuy nhiên, đôi khi tính cách trên mạng ảo và tính cách ngoài đời thực của một người rất khác nhau. Vì vậy, việc tham quan bảo tàng dường như đang được thúc đẩy bởi nhu cầu chứng minh bản thân có văn hóa, hơn là nhu cầu tham gia vào trải nghiệm văn hóa thực tế.