Chiều 24-1, UBND TPHCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới – World Bank tại Việt Nam (WB) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi TPHCM cho biết, TPHCM được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường – Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2.
Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Đồng thời, thành phố cũng đang bị đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.
TPHCM đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.
Qua hội nghị lần này, TPHCM mong muốn lắng nghe ý kiến, đề xuất và kinh nghiệm đổi mới công nghệ xanh, quản lý nguồn nước và năng lượng, giải pháp phát triển đô thị bền vững. Đồng thời qua hội nghị, thành phố mong muốn thúc đẩy các sáng kiến đổi mới và hợp tác đa quốc gia, kêu gọi đầu tư tư nhân nhằm từng bước chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và bền vững hơn.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng mục tiêu giảm 10% phát thải CO2 là “tham vọng, nhưng có thể thực hiện được với chiến lược phù hợp”.
Bà Carolyn Turk nêu một số thách thức mà TPHCM gặp phải, như tình trạng ngập lụt đang gây thiệt hại kinh tế có thể đến 250 triệu USD/năm và tăng lên qua từng năm.
Bà Carolyn Turk cho rằng cần tạo động lực cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Ở nhiều nước, việc sử dụng công cụ thuế để các doanh nghiệp phát triển xanh đã được sử dụng, nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện, vì giới hạn ngân sách, và nhất là với các nước đang phát triển. Ngân hàng thế giới mong đồng hành với TPHCM thực hiện chiến lược phát triển kinh tế giảm phát thải.
TPHCM và WB đã tạo nhóm công tác chung 2 năm trước và có một số kết quả, như gói đầu tư 650 triệu đô cho một chương trình dài hạn 10 năm. Có chương trình đầu tư nâng cấp tài sản công; triển khai chương trình quản lý ngập tích hợp…
WB cam kết hỗ trợ TPHCM tiếp cận nguồn tài chính, thu hút nguồn lực nước ngoài để giảm phát thải carbon. Theo bà Carolyn Turk, thị trường tín chỉ carbon là một nguồn lực tốt và hy vọng TPHCM có thể bán được tín chỉ trên thị trường carbon tự nguyện.
“Những sáng kiến khá dễ thực hiện nhưng chi phí lớn, một mình tự làm tự bán thì chi phí giao dịch cao. Do vậy, WB muốn giúp TPHCM tổng hợp lại các tín chỉ carbon, tạo khối lượng đủ lớn đem giao dịch quốc tế, giảm chi phí”, bà Carolyn Turk nói và phân tích, khu vực tư nhân do có quy mô nhỏ, nên đang gặp khó trong tiếp cận thị trường tín chỉ carbon tự nguyện trên thế giới.
Trong giai đoạn này, WB đã chỉ định Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) là đơn vị chủ trì điều phối về tín chỉ carbon tại TPHCM. “TPHCM có rất nhiều tham vọng, nhu cầu, WB sẽ nỗ lực hỗ trợ để hiện thực hóa”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động phát triển tăng trưởng xanh và bền vững tại TPHCM của Nhóm công tác chung TPHCM – Ngân hàng Thế giới (Nhóm HWG).
Hội nghị thu hút hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước, các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các chuyên gia trong nước và chuyên gia ở các quốc gia.
Báo SGGP Online tiếp tục cập nhật…
HẠNH NHUNG – MAI HOA