SGGPO
Tối 13-9, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) phối hợp Báo SGGP tổ chức lễ trao danh hiệu Doanh nghiệp xanh năm 2023. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn kinh tế TPHCM (HEF) lần thứ 4 năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh, hành trình tiến tới giảm phát thải ròng bằng không”, diễn ra từ ngày 13 đến ngày 17-9.
>> Danh sách 90 “Doanh nghiệp xanh TPHCM 2023”
Tham dự buổi lễ có các vị khách mời, chuyên gia nước ngoài đến tham dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2023.
Về phía TPHCM có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cùng lãnh đạo các sở ngành và đông đảo doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, trên cơ sở Bộ tiêu chí Hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học, các chuyên gia và Hội đồng xét chọn bao gồm đại diện các cơ quan chức năng đã xem xét, cân nhắc cẩn trọng để chọn được 90 doanh nghiệp đạt tiêu chí “Doanh nghiệp xanh TPHCM 2023”.
Đây là những doanh nghiệp đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất kinh doanh, tuân thủ các quy định về môi trường, góp phần cùng thành phố xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành, thân thiện với môi trường góp phần ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, việc được thành phố tôn vinh và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh và là tấm “Giấy thông hành” giúp doanh nghiệp đi vào lòng người, chiếm lĩnh trái tim của khách hàng, bạn bè và đối tác, chắp đôi cánh để doanh nghiệp có thể bay xa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, kết quả hôm nay chỉ mới là bước khởi đầu, thời gian tới UBND TPHCM đã quyết định sẽ tổ chức tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TPHCM” hàng năm để những doanh nghiệp được tôn vinh ngày hôm nay phải tiếp tục quan tâm đầu tư duy trì vững chắc danh hiệu, đồng thời khuyến khích và chào đón thêm nhiều doanh nghiệp khác gia nhập vào danh sách “Doanh nghiệp xanh” của thành phố chúng ta.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ, chúng ta đang chứng kiến nhiều biến đổi bất thường của khí hậu và TPHCM cũng không tránh khỏi tác động từ hiện tượng này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra tháng 11-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố cam kết của Việt Nam là sẽ giảm phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050 để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đóng góp cho nỗ lực chung của nhân loại nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, giữ nhiệt độ Trái đất tăng lên không quá 1,5 độ C.
Bằng hành động cụ thể thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về những nội dung đã cam kết, TPHCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhiều chương trình cụ thể để triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu; từng bước giảm thiểu carbon (CO2) trong sản xuất, kinh doanh và dẫn dắt chuyển đổi “tiêu dùng xanh” cho người dân. Một trong những chương trình đó là giải thưởng tôn vinh cho danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TPHCM” lần thứ nhất diễn ra ngày hôm nay.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, giải thưởng này sẽ duy trì hàng năm để trao cho doanh nghiệp đủ điều kiện theo những tiêu chí chuyển đổi xanh trong hành trình hướng tới Net Zero..
Các đại biểu dự buổi lễ. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Giải thưởng “Doanh nghiệp xanh TPHCM” được giao Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM giữ vai trò thường trực, chủ động về nội dung và phối hợp với Báo SGGP, các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện. Quá trình xây dựng một bộ tiêu chí về sản xuất, kinh doanh và dẫn dắt các hành vi tiêu dùng “xanh” sẽ tiếp tục được hoàn thiện qua từng năm. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là “Tăng trưởng xanh” và từng bước phấn đấu đạt những giá trị tốt đẹp cho đời sống và cho môi trường.
Trên thực tế, thành phố ghi nhận từ lâu đã có nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư xử lý chất thải, nước thải; sử dụng nguyên liệu và quy trình thân thiện với môi trường… cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Và với việc hình thành và duy trì chương trình tôn vinh “Doanh nghiệp xanh” sẽ tiếp tục lan tỏa ra cộng đồng doanh nghiệp để cùng triển khai tiến tới mục tiêu quốc gia về Net Zero.
“Chúng ta cần có những tiêu chí ngày càng sát với thực tiễn hơn; phương pháp tổ chức xét chọn nghiêm túc, minh bạch; Hội đồng xét chọn có đầy đủ năng lực, Ban Tổ chức làm việc khoa học để giải thưởng ngày càng nâng cao uy tín cho danh hiệu Doanh nghiệp xanh của Thành phố chúng ta”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng bày tỏ mong muốn mỗi doanh nghiệp phát huy tinh thần trách nhiệm và đồng hành với chính quyền thành phố, chung tay hành động cho mục tiêu phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp nhận danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TPHCM 2023”. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Tại buổi lễ, 90 doanh nghiệp đã được trao danh hiệu Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2023. Trong đó, có 52 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và 38 doanh nghiệp thương mại – dịch vụ – bất động sản.
Các doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí cơ bản, như: tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, hoàn thành nghĩa vụ thuế, bảo hiểm với nhà nước và có hiệu quả kinh tế tốt (tổng 30 điểm). Còn lại 70 điểm dành cho các tiêu chí xét chọn danh hiệu.
Các doanh nghiệp sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ công nghệ sản xuất, trình độ công nghệ xử lý chất thải, các phương pháp sản xuất sạch, tiết kiệm, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường… ở mỗi tiêu chí lại có nhiều tiêu chí thành phần, được chấm điểm riêng cho từng tiêu chí. Có tới 23 hạng mục cần chấm điểm, với thang điểm mỗi hạng mục từ 2 đến 10 điểm.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp nhóm thương mại – dịch vụ -bất động sản, ngoài các tiêu chí chung còn phải đáp ứng tiêu chí tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; thay đổi nguyên vật liệu ô nhiễm môi trường thành vật liệu thân thiện môi trường; tái chế, tái sử dụng, tái sinh chất thải phát sinh; tiêu thụ bền vững; áp dụng chuyển đổi số trong quản trị; tổ chức quản lý (sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả)… Tổng cộng có 12 hạng mục cần chấm điểm, với thang điểm từ 5-10.