TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã thực hiện được nhiều nội dung hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và tới đây sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể.
Sáng 3-4, Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức hội nghị thảo luận, thống nhất nội dung triển khai hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên. Chương trình này nằm trong chuỗi hoạt động sơ kết việc thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023; kế hoạch triển khai hợp tác năm 2024 sẽ diễn ra vào sáng mai 4-4.
Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Đinh Minh Hiệp nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những trọng tâm trong hợp tác kinh tế – xã hội giữa giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên. Từ đó, các đơn vị cần thảo luận cụ thể, thực chất, thống nhất được nội dung để triển khai thuận lợi. Tại hội nghị, Sở NN-PTNT TPHCM đề xuất nhiều nội dung hợp tác trong năm 2024 để lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh Tây Nguyên thảo luận và thống nhất.
Theo đó, TPHCM đề xuất trong năm 2024 tổ chức tại TPHCM 3 sự kiện cấp vùng, gồm hội chợ triển lãm giống và nông nghiệp công nghệ cao (vào tháng 6); tuần lễ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền và công nghệ sản xuất – bảo quản – chế biến nông sản 2024 (tháng 11); Lễ hội sâm và hương dược liệu quốc tế vào tháng 5.
Sự kiện cấp vùng tổ chức tại các tỉnh Tây Nguyên gồm Festival sâm Ngọc Linh Kon Tum lần 1; Hội thảo chuyên đề sản xuất, cung ứng con giống và kỹ thuật chăn nuôi heo tổ chức tại tỉnh Đăk Nông.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên cũng thảo luận nhiều nội dung hợp tác song phương. Chẳng hạn giữa TPHCM – Đăk Lăk sẽ hợp tác nghiên cứu đề xuất quy trình bảo tồn và nhân giống các loại cá bản địa quý hiếm tại Đăk Lăk như cá rô cờ, cá mõm trâu, cá lăng nha đuôi đỏ, cá đá Sông Ba, cá sọc dưa; thử nghiệm việc bảo quản xoài tươi sử dụng chế phẩm sinh học chitosan khối lượng phân tử thấp; hỗ trợ chế phẩm sinh học để xây dựng mô hình chăn nuôi heo.
TPHCM – Gia Lai có 5 nội dung hợp tác đề xuất, gồm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sinh học phân tử và đề xuất triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ; chuyển giao công nghệ sản xuất rễ tóc sâm Ngọc Linh trên hệ thống bioreactor; phối hợp triển khai mô hình sản xuất và thương mại tinh dầu ớt; hỗ trợ chế phẩm sinh học xây dựng mô hình chăn nuôi heo hạn chế phát sinh mùi hôi.
Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao; Tổng Công ty Nông nghiệp TNHH MTV Sài Gòn; Trường Đại học Quốc tế; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM cũng đề xuất nhiều nội dung hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên.
Tại hội nghị, các bên đã thảo luận sôi nổi về cách thức triển khai các hoạt động, kinh phí tổ chức, sản phẩm cụ thể. Lãnh đạo Sở NN-PTNT TPHCM nhấn mạnh các địa phương cần chuẩn bị tốt nội dung; “đặt hàng” cụ thể các doanh nghiệp sẽ đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh như thế nào; tránh việc các hội thảo chỉ bàn chuyện khoa học trong khi câu chuyện quan trọng hơn cả là bài toán đầu tư.
Bản thỏa thuận hợp tác hợp giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên được ký kết trong tháng 9-2023 nên chủ yếu được thực hiện trong quý 4-2023. Trong thời gian ngắn triển khai, một số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã được triển khai, như Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 vào cuối tháng 10; Hội chợ triển lãm nuôi trồng, công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm VietGAP, OCOP giữa tháng 11.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình về phát triển giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tháng 12; Hội thảo chuyên đề sản xuất, cung ứng con giống và kỹ thuật chăn nuôi heo; Trao đổi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình nuôi trồng, nhân giống, chế biến bảo quản trong cây trồng (cây dược liệu, cây ăn quả, cây lương thực), nấm dược liệu và nấm ăn tháng 11. Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng đã thực hiện được một số hoạt động, như lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên…
MAI HOA