Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tại tọa đàm “Phát triển điện ảnh TPHCM” sáng 7-4. Đây cũng là phiên mở màn cho chuỗi các buổi hội thảo, tọa đàm về các vấn đề, chính sách ở lĩnh vực điện ảnh trong LHP quốc tế TPHCM (HIFF).
Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Thế Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM…
Điện ảnh là cội rễ của văn hóa
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, để phát triển điện ảnh thì TPHCM là một trong những vùng đất tốt nhất. Với điều kiện đó, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm và coi đó là trọng tâm. Khi chúng ta đặt trọng tâm và muốn điện ảnh phát triển chúng ta phải đầu tư nghiêm túc, tiếp cận và khai thác tiềm năng sẵn có, kêu gọi các nguồn lực bên ngoài, phối hợp với nguồn lực tại chỗ để phát triển nhanh nhất, bền vững nhất”.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhấn mạnh, khi nói đến điện ảnh, không chỉ nói về tài chính, tiền bạc. Đó còn là câu chuyện về cội rễ văn hóa, mang đến những tác động kép, không chỉ góp phần phát triển văn hóa xã hội mà còn góp phần tạo dựng uy tín, tôn vinh những gì tốt đẹp của đất nước.
Trước đó, trong bài phát biểu của mình, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các quốc gia ngày càng ảnh hưởng lẫn nhau. Ngành công nghiệp văn hóa chính là một tài sản lý tưởng trong chính sách ngoại giao và quốc tế. Đồng thời giúp củng cố tính độc đáo trong thương hiệu quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy bản sắc văn hóa thiêng liêng và giá trị hiện đại trong mỗi quốc gia.
GS.TS. Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông trong bài tham luận của mình cũng khẳng định, nếu văn hóa là hồn cốt của dân tộc thì điện ảnh là hồn cốt của hồn cốt. Bởi điện ảnh là môn nghệ thuật mang tính tổng hòa của nhiều loại hình: thơ, văn, nhạc, họa… “Trong nền tảng của cơ chế thí điểm hiện nay, tôi tin thành phố sẽ có định hướng và lộ trình tối ưu cho việc hội nhập quốc tế để phát triển nền văn hóa nói chung, văn học và điện ảnh nói riêng. Và khi điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn sẽ là động lực đưa tâm thức con người lên, đưa kinh tế phát triển, đặc biệt là kinh tế du lịch” – GS.TS. Trình Quang Phú chia sẻ.
Bàn về những vấn đề “nóng”
Tọa đàm “Phát triển điện ảnh TPHCM” bao gồm 3 phiên thảo luận.
Phiên 1 có chủ đề “Ngoại giao văn hóa qua điện ảnh và điện ảnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia/địa phương” với sự tham gia điều phối của bà Ngô Bích Hạnh – Đồng sáng lập/ Phó Chủ tịch BHD và các diễn giả: ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ; bà Emmanuelle Pavillon – Grosser, Tổng lãnh sự Pháp; ông Kim Donghyun, Đại diện Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC); Diễn viên Đỗ Hải Yến và bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM.
Các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Pháp và Hàn Quốc. Ngoài ra, các khách mời cũng đã cùng nhau bàn bạc xung quanh chủ đề liệu điện ảnh Việt Nam có thể đóng vai trò thế nào cho việc xây dựng – quảng bá thương hiệu quốc gia nói riêng và TPHCM nói chung…
Phiên thảo luận 2 có chủ đề “Đối thoại giữa nhà làm phim và các nhà làm chính sách”. Các diễn giả đã cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan, gồm: các chính sách thuế và phí ưu đãi cho công nghiệp điện ảnh và luật thuế VAT mới; khơi thông nguồn vốn đầu tư vào công nghiệp điện ảnh.
Trong phần chia sẻ của mình, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) chia sẻ một thông tin quan trọng liên quan đến câu chuyện gỡ khó về vốn cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Theo đó, trong danh mục của TPHCM, có hỗ trợ cho việc xây dựng cụm rạp chiếu phim có quy mô từ 1.000 chỗ trở lên.
Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ cho vay tối đa 200 tỷ đồng trong 7 năm và không tính lãi suất. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh có thể vay nhiều hơn nếu có nhu cầu, và chỉ phải trả lãi suất nếu cao hơn con số 200 tỷ đồng. Theo ông Thanh, đây là phần hỗ trợ thiết thực cho ngành văn hóa với các thủ tục đơn giản và có bộ phận hỗ trợ chuyên trách.
Tuy nhiên, phía đại diện các cụm rạp như BHD hay CGV cũng đặt ra những lo lắng bởi trong dự thảo luật thuế VAT mới hiện nay, có thể sẽ tăng từ mức 5% lên 10%, sẽ gây không ít khó khăn cho các đơn vị kinh doanh rạp chiếu khi đang phải “gồng” chi phí vận hành cụm rạp rất cao.
Phiên thứ 3 của tọa đàm “Đối thoại giữa TPHCM với các nhà làm phim”, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã nhấn mạnh việc nếu xem điện ảnh là ngành trọng tâm để phát triển công nghiệp văn hóa thì đầu tư trong trung hạn phải có chính sách cụ thể, không thể chung chung như hiện nay.
VĂN TUẤN