(HCM CityWeb) – UBND TP.Hô Chí Minh vừa ban hành báo cáo về kết quả triển khai chuyển đổi số của Thành phố.
Lãnh đạo Thành phố tại lễ nhấn nút, chính thức vận hạnh Hệ thống quản trị thực thi TP.Hồ Chí Minh trên nền tảng số |
Theo báo cáo ,Thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số.
Việc triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng và các cấp chính quyền Thành phố.
Các cấp ủy, chính quyền nhận thức cao việc chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng của địa phương, đơn vị. Do đó, nhiều địa phương đơn vị đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số phục vụ người dân. Nhiều mô hình hay, đã phát huy hiệu quả tốt, được người dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.
Về công nghiệp ICT: Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua vẫn luôn là một trong những thành phố có doanh thu công nghiệp ICT đứng đầu cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có khu CNTT tập trung đầu tiên tại Việt Nam (Công viên phần mềm Quang Trung).
Công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT được lãnh đạo TP tập trung chỉ đạo như một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Hàng năm, ngân sách TP đều bố trí để thực hiện cho chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của TP. Do vậy, các quận, huyện, sở, ban, ngành đã được tăng cường triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trong thời gian qua.
Chương trình Chuyển đổi số đã có những kết quả đáng kể, xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của TP liên tục nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố ở thứ hạng cao: năm 2020 đạt thứ hạng 5, năm 2021 đạt thứ hạng 3, năm 2022 đạt thứ hạng 2. Đặc biệt, trong lĩnh vực chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị duy nhất trong cả nước được vinh dự nhận giải thưởng ASOCIO tại Hàn Quốc dành cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 2023.
Tập trung triển khai chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số theo đúng chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông: tập trung hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường năng lực của cơ quan hành chính, thực hiện công khai minh bạch trong hoạch định chính sách.
Triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố tập trung thống nhất, liên thông kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; liên thông văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số; kết nối các hệ thống thông tin chuyên ngành; tạo lập, tích hợp chia sẻ dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở. 100% TTHC được phê duyệt dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% hồ sơ công việc, văn bản điện tử liên thông qua môi trường mạng. 100% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, quận, huyện liên thông, kết nối thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu TP.
Thành phố đã phối hợp với các Sở ngành, Bộ ngành thực hiện liên thông, kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP với hệ thống thông tin chuyên ngành tại các sở, ngành và với Hệ thống thông tin chuyên ngành của các Bộ, ngành Trung ương nhằm chia sẻ dữ liệu phục vụ nhu cầu khai thác của Thành phố, cụ thể: Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan Nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam; Liên thông Tài nguyên và Môi trường – Thuế; Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc; Phần mềm Dịch vụ công liên thông; Hệ thống thông tin quản lý vận tải của Bộ Giao thông vận tải (Cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô); Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số.
Thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm có chức năng thực hiện các nhiệm vụ về triển khai, thực thi các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số, đô thị thông minh; cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức.
Triển khai ứng dụng CNTT trên các nền tảng số dùng chung, đồng bộ và thống nhất như Hệ thống tổng hợp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, Hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số, Hệ thống lắng nghe thông tin trên Mạng xã hội cho các cơ quan nhà nước, Hệ thống quản lý khiếu nại tố cáo Thành phố,… Thành phố cũng đang đẩy tiến nhanh kế hoạch đưa vào vận hành chính thức các nền tảng số mới trọng tâm bao gồm: App Công dân Thành phố; Nền tảng số hóa, lưu trữ tài liệu điện tử Thành phố; Nền tảng hỗ trợ quản lý khu phố, ấp; HTTT Cấp phép Xây dựng TP; HTTT Quản lý đất đai Thành phố.
Thành phố ban hành và tập trung triển khai chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế – xã hội Thành phố; tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn thành phố và phát triển kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp.
TP cũng đã triển khai Hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu (Data Integration Platform – DIP) và Hệ thống tích hợp lưu trữ và chia sẻ dữ liệu phi cấu trúc (File Storage Platform – FSP).
Kho dữ liệu của Thành phố đặt tại Trung tâm dữ liệu thành phố được chia sẻ dữ liệu thông qua Cổng dữ liệu của Thành phố https://data.hochiminhcity.gov.vn Cổng dữ liệu mở https://opendata.hochiminhcity.gov.vn, bao gồm các dữ liệu: Dữ liệu văn bản điện tử; Thông tin doanh nghiệp; Hộ kinh doanh cá thể; Thông tin giao dịch đảm bảo; Thông tin đăng ký quyền sử dụng nhà ở, đất ở; Cơ sở khám chữa bệnh; Chứng chỉ hành nghề y; Cơ sở giáo dục; Dịch vụ giáo dục; Dự án đầu tư nước ngoài; Dự án đầu tư công; Thông tin giá thị trường của một số mặt hàng thiết yếu. Song song đó, Thành phố đã ban hành Danh mục dữ liệu mở với 91 tập dữ liệu (dataset) của 12 lĩnh vực.
Về dữ liệu hộ tịch, đã số hóa 4 loại sổ hộ tịch: sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, với tổng số khoảng 12 triệu hồ sơ. Tất cả dữ liệu số hóa Sổ hộ tịch của thành phố đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp. Từ ngày 15/6/2022, Thành phố thực hiện cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con từ Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại Kho dữ liệu dùng chung thành phố cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú.
Thành phố đã đưa vào chia sẻ và khai thác dữ liệu nền thông tin địa lý gồm 87 lớp dữ liệu (nền địa lý, cơ sở đo đạc, dân cư, giao thông, thủy văn, địa hình, phủ bề mặt, biên giới địa giới) và vận hành chính thức Nền tảng bản đồ số dùng chung của Thành phố làm cơ sở nền tảng cho các hệ thống thông tin địa lý (GIS) của chính quyền điện tử Thành phố.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các sở, ngành, quận, huyện được hoàn thiện và củng cố, xây dựng và đưa vào vận hành nền tảng hạ tầng phục vụ cho liên thông, kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Nhà nước.
Thành phố đã tổ chức triển khai tập trung các ứng dụng của các sở, ngành, quận, huyện trên 1.000 máy chủ tại Trung tâm dữ liệu thành phố và tăng cường an toàn an ninh thông tin cho các hệ thống này. Hạ tầng mạng đô thị băng thông rộng thành phố (MetroNet) với hơn 800 điểm kết nối. Mạng MetroNet kết nối từ thành phố đến sở, ngành, quận, huyện và phường, xã, Trung tâm điều khiển NOC, Hệ thống thư điện tử thành phố, Hệ thống họp trực tuyến; Thư mời họp điện tử…
Công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin được đẩy mạnh, đảm bảo phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các trường hợp tấn công vào hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước. TP thường xuyên kiểm tra đánh giá công tác đảm bảo an toàn thông tin tại các đơn vị trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời phát hiện xử lý và ngăn chặn các sự cố về đảm bảo an toàn thông tin; thực hiện phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đối với danh mục hệ thống thông tin tại các đơn vị; triển khai đồng bộ giải pháp bảo mật thiết bị đầu cuối (endpoint) cho tất cả các máy tính của các Sở-ban-ngành, quận-huyện, phường-xã; triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin theo mô hình 4 lớp và kết nối Trung tâm dữ liệu thành phố với hệ thống giám sát quốc gia; Triển khai nâng cấp hệ thống phòng chống mã độc tập trung của TP.Hồ Chí Minh.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn, TP đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm:
Ban hành các văn bản và quy định quan trọng: cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố, Quy chế quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của Thành phố; Quy chế vận hành, khai thác Hệ thống quản trị thực thi Thành phố trên nền tảng số; Tham mưu triển khai Nghị định số 82/2024/NĐ-CP của Chính phủ trên môi trường số.
Tổ chức khai thác dữ liệu để thay thế một số giấy tờ trong hồ sơ khi người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC.
Tổ chức triển khai cấp kết quả giải quyết TTHC bản điện tử (không kèm bản giấy).
Đưa vào vận hành thử nghiệm các nền tảng: Ứng dụng trên di động công dân thống nhất của Thành phố (App Công dân Thành phố), nền tảng số hóa, lưu trữ tài liệu điện tử Thành phố, Cổng Thông tin điện tử TP, nền tảng hỗ trợ quản lý khu phố, ấp, HTTT Cấp phép xây dựng TP, HTTT Quản lý đất đai TP, Hệ thống quản lý an sinh xã hội TP, HTTT Quản lý cán bộ công chức, viên chức TP.
Hoàn thành kế hoạch truyền thông chuyển đổi số: Chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia; “Hội thi Thử thách Trí tuệ nhân tạo (AI Challenge) Thành phố năm 2024; Ra mắt “Cổng thông tin sự kiện truyền thông Thành phố” và xây dựng các kênh truyền thông chính sách trên các nền tảng mạng xã hội…
Tiếp tục triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố; Phát triển, cải tiến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố, nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân; Triển khai hiệu quả Hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số.
Xây dựng Kế hoạch về Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
Hoàn thành phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Tổ chức các hoạt động kiểm tra thường xuyên, diễn tập về an toàn thông tin mạng.
Tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn để người dân có kỹ năng số cơ bản, có một danh tính số, tài khoản thanh toán số, tài khoản dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số cá nhân và được bảo vệ an toàn thông tin mạng; Tổ chức xây dựng Đề án xây dựng một số khu công nghệ thông tin tập trung…
Minh Dung
Nguồn: https://hochiminhcity.gov.vn/-/tp-ho-chi-minh-xep-hang-2-trong-ca-nuoc-ve-chuyen-oi-so?redirect=%2Fdanh-sach-tin-tuc%3Fp_p_id%3Dcom_liferay_asset_publisher_web_portlet_AssetPublisherPortlet_INSTANCE_JwomgnjC3ziK%26p_p_lifecycle%3D0%26p_p_state%3Dnormal%26p_p_mode%3Dview%26p_r_p_subCategoryIds%3D42249%252C395884%26p_r_p_categoryId%3D42249%26p_p_auth%3DTUOtzGra