(HCM CityWeb) – Chiều 29/8, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn đã làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị DIệu Thúy và lãnh đạo các sở ngành, quận huyện của Thành phố về công tác phòng chống dịch Sởi trên địa bàn Thành phố.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, tại Thành phố từ 23/5 đến 27/8/2024 có 432 ca. Trong đó, đã có 03 ca tử vong liên quan đến Sởi (gồm 02 ca của Thành phố và 01 ca của tỉnh) là những trẻ có bệnh bẩm sinh.
Kết quả tiêm chủng Sởi đến tháng 7/2024: Tỷ lệ Sởi 1 cho trẻ sinh năm 2020, 2021, 2022 đạt >95% ở quy mô toàn thành phố và quận huyện. Tỷ lệ tiêm chủng Sởi 1 cho trẻ sinh năm 2023 đạt 90,8% trên quy mô toàn thành, Quận 12 có tỷ lệ thấp
Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Sởi 2 cho trẻ: năm 2019-2022 đều chưa đạt 95% trên quy mô thành phố, các quận huyện có 4 năm liên tiếp không đạt tỷ lệ 95% gồm: Quận 5, Quận 8, Quận 11, Quận 12, Củ Chi, Bình Chánh, Tân Phú, TP Thủ Đức.
Tỷ lệ PX đạt Sởi 2: Quận huyện có tỷ lệ PX đạt 95% thấp: quận 5, quận 8, Bình Chánh, Tân Phú
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định, số ca Sởi đang tăng nhanh ca sởi dưới 5 tuổi chiếm 73,2% và có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn; Bệnh nhân từ tỉnh chiếm 55,8% số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của Thành phố. Tại Thành phố có 22 quận huyện có ca bệnh sởi, 15 quận huyện đủ điều kiện công bố dịch quy mô quận huyện; đã có bệnh nhân có bệnh nền tử vong liên quan đến Sởi; Tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh chưa đạt
Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố cho biết, bắt đầu từ ngày 31/8/2024 Thành phố sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin. Việc tiêm chủng chia làm 02 giai đoạn. Giai đoạn 1: Trẻ từ 1-5 tuổi (bao gồm trẻ thuộc nhóm Nguy cơ cao): Chưa tiêm đủ 2 mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
Trẻ thuộc nhóm Nguy cơ cao (6 – 16 tuổi): Chưa tiêm đủ 2 mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng; Nhân viên y tế, người làm việc tại các coq sở khám bệnh chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc Sởi: Chưa tiêm đủ mũi; Nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao; Trẻ chưa tiêm đủ mũi
Giai đoạn 2: Trẻ từ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi và Đối tượng còn sót lại ở giai đoạn 1 chưa được tiêm
Về phòng chống dịch trong cộng đồng, Thành phố sẽ tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; Kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, trong các cơ sở bảo trợ xã hội; Triển khai kịch bản xử lý các tình huống dịch, bệnh sởi trong cộng đồng và giám sát hỗ trợ các TTYT, TYT thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố kiến nghị Bộ Y tế chia sẻ dữ liệu bệnh truyền nhiễm khám & điều trị tại các Bệnh viện trên địa bàn Thành phố; Chia sẻ quyền truy cập dữ liệu phần mềm tiêm chủng để có thể quản lý trẻ thay đổi nơi cư trú. Chỉ đạo các tỉnh, thành thực hiện nghiêm túc việc quản lý trẻ trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, cập nhật kịp thời các thay đổi thông tin; Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ Thành phố triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng chống dịch Sởi mở rộng cho các nhóm đối tượng (tiêm nhắc lại cho thân nhân bệnh nhân, người cao tuổi nhóm nguy cơ…); Chỉ đạo các tỉnh tăng cường công tác điều trị tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cám ơn Đoàn công tác của Bộ Y tế quan tâm tình hình dịch bệnh của TP.Hồ Chí Minh để hỗ trợ điều trị kịp thời. Từ tháng 5 đến thời điểm này, TP.Hồ Chí Minh có khoảng 432 ca nhiễm và hầu hết là các ca nhiễm thì ở các khu vực quận huyện ngoại thành. Trong đó, có các ca bệnh từ các tỉnh khác đến TP.Hồ Chí Minh điều trị cũng rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu kết luận buổi làm việc |
Nhóm trẻ em dưới 5 tuổi chiếm khoảng 74% trong tổng số ca bệnh và có đến 71% trẻ hoàn toàn chưa được tiêm chủng. Điều này cho thấy có sự đứt quãng trong quá trình tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ sau dịch Covid 19. Cũng có trẻ em tử vong nhưng theo báo cáo nguyên nhân thì trẻ em này có bệnh nền mãn tính, tuy nhiên chúng ta cũng không thể coi thường tình hình này.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị DIệu Thúy cho biết, sau khi nghe Sở Y tế báo cáo, ngay lập tức lãnh đạo Thành phố đã kích hoạt các kịch bản liên quan đến tổ chức lấy chứng kiến và làm đúng theo quy định pháp luật về triển khai và tổ chức công bố dịch. Thành phố đã triển khai tất cả các đơn vị sở, ngành, quận huyện để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Thành phố chỉ đạo Sở Y tế quyết liệt triển khai các biện pháp chống dịch. Trong đó, có hai nhóm giải pháp quan trọng. Thứ nhất, tiêm bù bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 01 đến 05 tuổi và nhân viên y tế đang trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc sởi, giúp hạn chế lây lan dịch bệnh. Thứ 2, chủ động rà soát nhóm trẻ thuộc nguy cơ để có biện pháp bảo vệ.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy đề nghị Thứ trường Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và đoàn công tác quan tâm hỗ trợ thực hiện kiến nghị của Thành phố, để giải quyết tình hình hiện tại của Thành phố.
Liên quan đến việc liên thông dữ liệu ngành y tế, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị DIệu Thúy mong muốn lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo sát sao và triển khai ngay việc liên thông dữ liệu tiêm chủng vắc xin để Thành phố xử lý được tình huống tiêm ngừa vắc xin cho trẻ ngay tại cơ sở trẻ mới nhập viên; Thành phố sẽ áp dụng Luật phòng thủ dân sự khi địa bàn có dịch và sẽ phối hợp triển khai với các đơn vị liên quan.
Ngoài ra, Thành phố mong muốn Bộ Y tế quan tâm để Thành phố tiêm chủng vòng ngoài của địa bàn có dịch nhằm giảm áp lực và hạn chế nguy cơ lây lan vòng ngoài.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao TP.Hồ Chí Minh đã chủ động sẵn sàng kế hoạch, phương án ứng phó với dịch sởi, Đồng thời, nhấn mạnh tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm phòng chống dịch sởi, tạo miễn dịch cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo các địa phương khẩn trương vào cuộc, cố gắng kiểm soát dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, không để dịch chồng dịch. Thành phố cần rà soát vùng nguy cơ cao, chủ động tiêm vắc xin Sởi cho các nhóm đối tượng khác ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng như trẻ từ 6 tháng tuổi, trẻ 5-10 tuổi và người lớn.
ZUKI
Nguồn: https://hochiminhcity.gov.vn/-/tp-ho-chi-minh-ra-soat-vung-nguy-co-cao-chu-ong-tiem-vac-xin-soi-cho-cac-nhom-oi-tuong?redirect=%2Fchinh-quyen