TP.HCM kiến nghị Chính phủ gỡ vướng các dự án để thúc đẩy động lực tăng trưởng
UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến việc thực hiện cơ chế đặc thù, và vướng mắc dự án hạ tầng, đường sắt…để thúc đẩy động lực tăng trưởng.
Phát triển điện mặt trời mái nhà vẫn vướng
Sáng 10/8, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Bộ, ngành làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế – xã hội, việc thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 và họp Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần 4.
Tại buổi làm việc, TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng nhiều vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư và cơ chế chính sách còn vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị – Ảnh: VGP |
Liên quan đến những vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đôn đốc Bộ Công Thương phối hợp Thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, trình ban hành Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.
Thành phố cũng kiến nghị, Chính phủ xem xét các nội dung vướng mắc trong hoạt động mua bán tín chỉ carbon của các chủ dự án, đặc biệt là khi mua bán tín chỉ carbon ra thị trường nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã thắng thắn chỉ ra những hạn chế về phân cấp, ủy quyền thực hiện theo Nghị quyết 98 thực tế còn vướng mắc, chưa đồng bộ, khiến nhiều vấn đề kéo dài.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM cũng chỉ ra việc cải cách hành chính, chuyển đổi số còn hạn chế, còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Nhân lực thực thi nhiệm vụ tại TP.HCM và số bộ ngành đang quá tải, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu công việc.
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu ra, Bí thư Thành uỷ TP.HCM đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành quyết định “đủ mạnh” để tháo gỡ toàn bộ những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Quốc hội, Bộ Chính trị chỉ đạo.
Kiến nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ để mở rộng khu công nghệ cao
Tại hội nghị UBND TP.HCM kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát (CRUS 1) và Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS 2) CRUS1 và CRUS; Dự án Khu công nghiệp chuyên ngành Y – Dược.
Để thu hút các ngành công nghệ cao, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cấp vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho Thành phố đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao mở rộng (bổ sung chức năng Công viên Khoa học và Công nghệ) tương tự như đã hỗ trợ cho Khu Công nghệ cao trước đây với tỷ lệ vốn ngân sách Trung ương 30% và vốn ngân sách TP.HCM là 70%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với TP.HCM ngày 10/8 – Ảnh: VGP |
Liên quan đến vấ đề tài chính, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm giải quyết các vấn đề của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Vạn Thịnh Phát để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Thành phố.
Đối với các tuyến đường vành đai, Thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 2, TP.HCM, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và đoạn từ Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng với các cơ chế tương tự trường hợp đã thực hiện cho Dự án đường Vành đai 3, trong đó bao gồm việc phê duyệt trước ranh giải phóng mặt bằng của Dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hoàn thiện sớm thông qua quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị; Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM.
Để sớm triển khai các dự án tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kiến nghị Thủ tướng giao cho các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn TP.HCM triển khai các nhiệm vụ đúng thời gian, bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục.
Trong đó, TP.HCM tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược; triển khai nội dung tín chỉ carbon; các dự án TOD; phấn đấu trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong năm nay.