SGGPO
Ngày 29-8, tại TPHCM, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM phối hợp với Báo Người Lao động, Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tại TPHCM tổ chức buổi tọa đàm về cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách tập hợp 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến nay về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các bài viết, bài phát biểu được trình bày một cách chắt lọc, tổng kết thực tiễn, lấy đời sống thực tiễn để thuyết phục, chứng minh. Đồng thời, nội dung cuốn sách góp phần hệ thống lại những vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phục vụ công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Cuốn sách tập trung trả lời 4 câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì?; Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?; Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?; Thực tiễn công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?
Ấn phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành |
Qua quá trình nghiên cứu ấn phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TS Thân Ngọc Anh, Trưởng Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị khu vực II, thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, cuốn sách đã tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn, Tổng Bí thư đã rút ra những bài học kinh nghiệm qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
“Cuốn sách có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong giai đoạn hiện nay”, TS Thân Ngọc Anh nhấn mạnh.
TS Thân Ngọc Anh chia sẻ tại chương trình |
Trong số 29 bài viết được tuyển chọn trong cuốn sách của Tổng Bí thư, có một bài nói về công tác đối ngoại, với tên gọi Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc, trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam. Trong đó Tổng Bí thư đã khái quát về những đặc trưng của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Biết nhu, biết cương, biết thời, biết thế, biết mình, biết người; biết tiến biết thoái; tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.
Quang cảnh buổi toạ đàm |
Đang làm việc trong lĩnh vực ngoại giao, hơn ai hết, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại EU và Bỉ, cảm thấy đồng cảm với bài viết này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngoài những nội dung mà Tổng Bí thư đã nêu trong bài viết Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc, trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, chúng ta phải luôn nhớ rằng, đối nội và đối ngoại phải gắn liền với nhau.
Bà Ninh lý giải: “Nếu đối nội và đối ngoại “mạnh ai biết người đó” thì chúng ta sẽ không có được quan hệ biện chứng giữa thế và lực. Nhiều người cho rằng, làm đối ngoại là xây dựng cái thế, mà quên đi rằng thế mà không có lực, không có nền tảng của lực thì thế lung lay liền”.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh phát biểu tại chương trình |
Liên hệ với thực tế ngày nay, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, trong quá khứ, đất nước chúng ta đã có nhiều lần thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế trong công tác đối ngoại. Chính vì vậy, để đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, theo bà Ninh, ngày nay chúng ta cần phải học hỏi và vận dụng như thời kháng chiến, nhất là phải sáng suốt và khéo léo như thời đó.