Quang cảnh tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, các phòng chức năng phụ trách hoạt động quản lý đào tạo của gần 100 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo liên quan vi mạch bán dẫn; đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Tọa đàm nhằm thực hiện Kế hoạch số 1758/KH-BGDĐT ngày 27/11/2024 của Bộ GDĐT triển khai Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Anh Dũng cho biết: Ngành công nghiệp bán dẫn, với vai trò là nền tảng của hầu hết các công nghệ hiện đại, đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội và công nghệ toàn cầu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 04/12/2024 về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ GDĐT thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn. Chuẩn này không chỉ là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, mà còn là nền tảng để thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo thí điểm, chương trình đào tạo thứ hai, và chương trình đào tạo liên thông liên quan đến vi mạch bán dẫn.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại tọa đàm
“Đối với Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng để triển khai thành công và nắm bắt cơ hội liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn chính là việc chuẩn bị nguồn nhân lực. Và để làm được việc này thì ngành phải trông cậy vào các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ, trong đó có vi mạch bán dẫn”, Phó Vụ trưởng Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.
Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Anh Dũng, chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn được xây dựng trên tinh thần không chỉ đào tạo trình độ đại học, mà còn tiếp cận và tiếp nhận những sinh viên năm 2,3,4 có nhu cầu chuyển sang học vi mạch bán dẫn, đồng thời tiếp cận theo hướng đào tạo những người tốt nghiệp đại học nhưng vẫn có nhu cầu học tập.
Với tính đặc thù của ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như việc thực hành thực tập, cơ sở vật chất phát triển phòng thí nghiệm để bảo đảm bảo điều kiện cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn, Phó Vụ trưởng Nguyễn Anh Dũng mong muốn các đại biểu dự tọa đàm cho ý kiến để tìm ra con đường chung nhất, ngắn nhất nhằm tăng cường năng lực về cơ sở vật chất, các nền tảng, hệ thống phần mềm hỗ trợ, công cụ giúp cho chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn thực sự đáp ứng được yêu cầu.
Báo cáo tổng hợp quá trình xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, đại diện Hội đồng tư vấn, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển lĩnh vực bán dẫn. Thực tế thời gian qua, nhiều lãnh đạo các tập đoàn và các trường đại học lớn trên thế giới đều nhận định, đây là cơ hội bứt phá để Việt Nam gia nhập sâu hơn vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo tại tọa đàm
Mục tiêu của chuẩn chương trình đào tạo là nền tảng để thiết kế, triển khai các chương trình đào tạo, thí điểm và liên thông; chương trình linh hoạt, hiện đại, cung cấp nền tảng chung và kiến thức chuyên sâu về vi mạch bán dẫn; tích hợp chuỗi giá trị; kết hợp học thuật và thực tiễn; cơ sở đạt chuẩn có thể tổ chức đào tạo, giảng dạy bằng tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Chương trình trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về vi mạch bán dẫn; phát triển kỹ năng thiết kế; mô phỏng, chế tạo, kiểm tra vi mạch; sinh viên tham gia dự án thực tế, khuyến khích tư duy sáng tạo; đào tạo khả năng làm việc toàn cầu, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.
Liên quan đến đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ, GS.TS Chử Đức Trình cho biết, từ nay đến năm 2030, cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu cho giảng viên, khuyến khích tham gia hội thảo chuyên ngành, dự án hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức nghề nghiệp. Đặc biệt, sau năm 2030, chương trình cần tiếp tục duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuyên sâu, chú trọng vào năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đội ngũ giảng viên phải đạt trình độ chuyên môn cao hơn, có khả năng lãnh đạo các dự án nghiên cứu lớn và thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, đại diện doanh nghiệp đánh giá cao Dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học. Đồng thời, có những góp ý xây dựng nhằm bảo đảm chuẩn chương trình đào tạo khi được ban hành sẽ áp dụng hiệu quả vào các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành liên quan đến vi mạch, bán dẫn.
Đại biểu trao đổi tại tọa đàm
PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng cho rằng, đây là bước tiến lớn nhằm đáp ứng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chương trình này không chỉ bám sát nhu cầu thực tiễn của lao động trong nước, mà còn tham chiếu các quy chuẩn của nhiều nước trên thế giới. Điều này thể hiện sự đầu tư và tầm nhìn của giáo dục Việt Nam tiệm cận với trình độ toàn cầu.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cách tiếp cận để xây dựng Dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học khá hợp lý khi đã định hướng theo chuyên ngành, đưa ra chương trình đào tạo hệ chuẩn và chương trình đào tạo hệ tài năng.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đề xuất cần có các quy chuẩn làm sao để sinh viên có thể liên thông được cả hai chương trình; có nguồn lực từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên theo học các ngành đào tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.