(HCM CityWeb) Sáng 12/6, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ chủ trì giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND Thành phố về việc thực hiện chương trình cải cách hành chính về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ trên địa bàn TP giai đoạn 2022 – 2025 đối với UBND Thành phố.
Bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM trao đổi tại buổi giám sát |
Cùng tham dự buổi giám sát có Phó Chủ tịch HĐND TP Huỳnh Thanh Nhân và Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch HĐND TP Huỳnh Thanh Nhân cho biết, buổi giám sát nhằm làm rõ những việc làm được trong công tác CCHC của UBND TPHCM, các quận, huyện, sở ngành. Đồng thời, xác định mục tiêu trong cải cách tổ chức bộ máy, chế độ công vụ trong thời gian tới gắn với nhiệm vụ thực hiện chính quyền đô thị, cũng như chuẩn bị thực hiện đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024–2030 với tinh thần xây dựng tổ chức bộ máy, nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm cải thiện kết quả công tác CCHC
Báo cáo kết quả CCHC của UBND TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết, từ năm 2021 – 2023, UBND Thành phố duy trì triển khai, thực hiện các Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm và quyết tâm thực hiện hiệu quả tuần, tháng thi đua “Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC ngay trong ngày”.
Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu trao đổi tại buổi giám sát |
Đến nay, công tác cải cách hành chính của Thành phố đã đạt những kết quả nổi bật như: Ban hành Chỉ thị về việc thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2025; Ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính giai đoạn 2022-2025; Phát động phong trào thi đua “Cải cách hành chính” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 – 2025; Đảm bảo chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai công tác CCHC tại từng cơ quan, đơn vị; Tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết công tác cải cách hành chính; phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính của Thành phố; Tổ chức 04 Đoàn nghiên cứu, học tập, khảo sát và trao đổi kinh nghiệm trong nước, 03 Đoàn học tập về công tác cải cách hành chính tại nước ngoài.
Đối với Chỉ số cải cách hành chính của Thành phố (PAR Index), năm 2022, 2023, kết quả Chỉ số cải cách hành chính của Thành phố có cải thiện về thứ hạng so với các năm trước, cụ thể: Năm 2022: xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Năm 2023: xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan trả lời câu hỏi của các đại biểu HĐND TP |
Năm 2024, Thành phố đã chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm cải thiện kết quả công tác cải cách hành chính qua đó cải thiện kết quả đánh giá các chỉ số.
Về rà soát, sắp xếp, kiện toàn theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Thành phố giữ nguyên 20 sở. Đến nay thành lập thêm Sở An toàn thực phẩm (21 sở). Về đáp ứng các tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở theo quy định, Thành phố sắp xếp từ 173 phòng xuống còn 169 phòng (giảm 4 phòng); giữ nguyên 16 Chi cục và 88 phòng thuộc Chi cục.
Đến tháng 12/2023, Thành phố còn 1.781 đơn vị, gồm: 33 đơn vị sự nghiệo công lập cấp Thành phố; 316 đơn vị thuộc khối sở, ngành; 1.432 đơn vị khối quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Trong đó, lĩnh vực y tế tổ chức lại 94 đầu mối còn 78 đầu mối (giảm 16 đầu mối); lĩnh vực KH-CN tổ chức lại 10 đơn vị xuống còn 9 đơn vị; lĩnh vực VH-TT có 32 đơn vị (đã giảm 3 đơn vị, đạt 8,57%). Lĩnh vực bảo trợ xã hội năm 2021 có 29 đơn vị (giảm 4 đơn vị so với thời điểm năm 2017), đến năm 2022, sáp nhập 1 đơn vị là Trung tâm Giảm nghèo đa chiều TPHCM do không đảm bảo điều kiện số người làm việc.
Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận buổi giám sát |
Đến năm 2023, TP có gần 12,5% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, như vậy, về cơ bản TP.Hồ Chí Minh đã đạt và vượt chỉ tiêu “có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị so với giai đoạn 2011-2015”.
Ngày 2/5/2024, UBND TP đã ban hành quy định đánh giá, xếp loại chất lượng theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM. Hiện các cơ quan, đơn vị đang tổ chức thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng quý 1-2024.
UBND TP.Hồ Chí Minh đánh giá công tác cải cách chế độ công vụ, công chức trên địa bàn TP đã có những chuyển biến, cải thiện rõ rệt; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng cao. Qua đó, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, hoạt động hiệu quả và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Việc xây dựng và thực hiện Đề án sắp xếp khu phố, ấp theo quy định của Trung ương, UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp theo quy định của Trung ương, triển khai đến thành phố Thủ Đức, quận, huyện tổ chức thực hiện; Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp và Nghị quyết quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách liên quan đến khu phố, ấp.
Toàn cảnh buổi giám sát |
Tổng số khu phố, ấp mới sau sắp xếp là 4.861 (3.654 Khu phố và 1.207 ấp), số khu phố, ấp đạt chuẩn quy mô số hộ gia đình theo quy định là 4.823/4.861 đạt tỷ lệ 99,69%. Chế độ, chính sách liên quan đến khu phố, ấp gồm mức khoán quỹ phụ cấp, phụ cấp của các chức danh khu phố, ấp căn cứ theo quy mô số hộ dân, số lượng không quá 05 người; điều chỉnh số lượng, mức hỗ trợ hàng tháng người trực tiếp tham gia hoạt động khu phố, ấp không quá số lượng 04 người đối với khu phố, ấp, mức hỗ trợ bằng 0,3 lần mức lương cơ sở.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, năm 2022, Thành phố đã tổ chức 68 khóa học, với 311 lớp cho khoảng 23.889 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự. Năm 2023, Thành phố đã tổ chức 177 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 15.704 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự.
Thời gian qua, việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện pháp luật và thực thi công vụ đã giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng và tốt hơn chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tuy nhiên, còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các quy định, quy chế, kỷ luật, kỷ cương hành chính, việc thực thi công vụ tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm. Năm 2022 có: 11 cán bộ, 92 công chức và 85 viên chức bị xử lý kỷ luật. Năm 2023 có: 08 cán bộ, 84 công chức và 145 viên chức bị xử lý kỷ luật.
Thành phố đang giao Sở Nội vụ phối hợp với Thanh tra Thành phố xây dựng Đề án xây dựng đội ngũ công chức thanh tra công vụ đảm bảo đủ năng lực, công tâm, khách quan.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, qua hơn 1 tháng, từ ngày 07/5/2024 đến nay, Đoàn Giám sát đã tiến hành giám sát các đơn vị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các sở, ban ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ và ngày hôm nay tiến hành giám sát đối với UBND TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Giám sát ghi nhận những nỗ lực trong thời gian vừa qua của UBND Thành phố đối với công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ nói riêng.
Theo kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Bộ Nội vụ, năm 2023 TP.Hồ Chí Minh đạt 86.97 điểm, xếp hạn 33/63 tỉnh, thành (tăng về điểm số và thứ hạng, đạt 8/8 lĩnh vực đều cao hơn mức trung bình của cả nước), tăng ba bậc so với năm 2022 và tăng 10 bậc so với năm 2021. Về chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), TP.HCM đứng thứ hạng 36 (đạt 81.78%) tăng 7 bậc và tăng 3.4% so với năm 2022.
Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong công việc của đội ngũ cán bộ
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng, TP.Hồ Chí Minh đã tăng về điểm và thứ hạng nhưng kết quả chưa cao, chưa đạt được chỉ tiêu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước đối với chỉ số này. Vì vậy, Đoàn Giám sát đề nghị UBND Thành phố trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm tập trung triển khai thực hiện các nội dung. Cụ thể, khẩn trương hoàn thành và triển khai Đề án xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, hiện nay còn 03/21 sở, ngành Thành phố chưa được ban hành Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức. Tiến độ hiện nay là còn quá chậm so với yêu cầu của Thường trực HĐND Thành phố đã kiến nghị tại báo cáo số 1112/BC-khen thưởng để ghi nhận những đóng góp của người hoạt động không chuyên trách tại khu phố, tổ dân phố.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, Đoàn Giám sát ghi nhận những khó khăn ban đầu trong quá trình thực hiện sắp xếp khu phố, ấp như về khó khăn trụ sở, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Tuy nhiên theo chỉ đạo của Thành ủy trong quá trình sắp xếp khu phố, ấp không phát sinh xây dựng trụ sở mới. Vì vậy, đề nghị UBND Thành phố chủ động chỉ đạo giải quyết trước những vấn đề trong thẩm quyền của mình để nhanh chóng ổn định bộ máy hoạt động ở khu phố, ấp. Đồng thời nhanh chóng ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của khu phố, ấp phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Sớm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về công tác quản lý điều hành khu phố, ấp mới gần với công tác ứng dụng công nghệ thông tỉnh và chuyển đổi số của Thành phố.
Đối với việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, UBND quận – huyện, qua quá trình giám sát vẫn còn tình trạng chậm trả lời văn bàn cho ý kiến đối với các địa phương dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ, giải quyết thủ tục hành chính chính cho người dân chậm trễ. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND Thành phố cần xem xét, đánh giá cụ thể việc thực hiện Quy chế phối hợp, hiện nay đã có Quyết định số 1750/QĐ-UBND ngày 20/5/2024 thay thế Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 27/7/2022 về quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, vấn đề hiện nay là trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời cũng có quy định chế tài đối với đơn vị khi không đảm bảo các nội dung được quy định tại quy chế.
Đối với công tác cải cách chế độ công vụ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị cần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng Đề án vị trí việc làm, đảm bảo trong công tác thống kê nhật ký công việc, thống kê trung thực thời gian làm việc, sản phẩm công việc góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong công việc của đội ngũ cán bộ, làm cơ sở để nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của cán bộ.
Bên cạnh đó, cần quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá và xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đề nghị các đơn vị tiếp tục phát động thi đua sáng tạo có thêm nhiều các mô hình, cách làm hay của đơn vị, địa phương trong công tác cải cách hành chính để từ đó góp phần giải quyết nhanh chóng hồ sơ cho người dân, giảm phiền hà trong dân, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn huyện.
Đẩy mạnh phong trào Thi đua sáng tạo và giải thưởng sáng tạo về cái cách hành chính ở cấp Thành phố, đây cũng là một trong những nội dung thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ của việc xây dựng đạo đức cán bộ, công chức, viên chức với việc Học tập và làm theo tư tường, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
ZUKI