(HMC CityWeb) – Sáng 18/7, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn Thành phố.
Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh Lê Minh Hải báo cáo kết quả công tác đảm bảo ATTP 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2024
Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm Thành phố (Ban Chỉ đạo); Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các nhóm sản phẩm nguy cơ cao
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh Lê Minh Hải, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo, cho biết trong năm 2024, Thành phố đã kịp thời xây dựng các kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) với nhiều giải pháp, quyết tâm cao, phương thức điều hành chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy định. Đồng thời nghiêm túc có hiệu quả mục tiêu trọng tâm đề ra trong công tác quản lý nhà nước về ATTP.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tổ chức giám sát 10 sự kiện, lễ hội. Kết quả, không xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, lễ hội.
Trên địa bàn Thành phố xảy ra 4 vụ liên quan đến sự cố về ATTP. Trong đó, 2 vụ chưa đủ cơ sở kết luận ngộ độc thực phẩm, 2 vụ đang chờ kết luận từ UBND quận Bình Tân và thành phố Thủ Đức.
Trong 6 tháng đầu năm, TP.Hồ Chí Minh tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các nhóm sản phẩm nguy cơ cao nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đảm bảo an toàn cho sản phẩm lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về ATTP, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, Thành phố thực hiện rà soát 4.080 sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo trên các trang thông tin điện tử kinh doanh qua mạng, phát hiện 63 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, tiến hành xử lý theo quy định.
Thông qua công tác phối hợp với các tỉnh và triển khai Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn”, Sở An toàn thực phẩm đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành đã thiết lập và quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt chuẩn cung cấp vào bếp ăn tập thể, căng tin trường học, hệ thống kinh doanh hiện đại và mở rộng đến chợ đầu mối, chợ truyền thống. Tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn cung cấp cho người dân Thành phố ngày càng tăng.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn còn một số hạn chế, như: công tác phối hợp trong công tác đấu tranh xử lý vi phạm về ATTP triển khai tại một số đơn vị còn chậm; Công tác quản lý ATTP ở phường – xã, thị trấn còn gặp nhiều hạn chế, do nhân sự phụ trách công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; Chánh Thanh tra Sở An toàn thực phẩm là chức danh mới, chưa được quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực ATTP…
Giám sát mối nguy và ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm cấp tính
Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị 17- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Tiếp tục duy trì xây dựng và triển khai các đề án, dự án đảm bảo ATTP như: đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”, mô hình “Chợ truyền thống đảm bảo an toàn thực phẩm”, chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Giám sát mối nguy và tăng cường năng lực của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý ATTP các cấp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm của các cơ sở có nguy cơ cao gây mất an toàn, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ đó có hướng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm cũng như có cảnh báo ATTP kịp thời đối với người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở ATTP, các đoàn liên ngành, cán bộ công chức viên chức quận, huyện, thành phố Thủ Đức và ở cơ sở đã làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo ATTP tại Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy đề nghị từ nay đến cuối năm, Sở ATTP tiếp tục giữ trận địa an toàn để người dân an tâm với thực phẩm sử dụng; tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, dự án đảm bảo ATTP như: đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”, mô hình “Chợ truyền thống đảm bảo an toàn thực phẩm”…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố gợi ý Sở ATTP và các quận, huyện nghiên cứu xây dựng mô hình “Khu vực an toàn thực phẩm” gắn với những khu vực cụ thể; tính toán có thể quản lý ATTP bán tại các khu vực trước chợ, trước trường học, nơi có đông khách du lịch…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở ATTP phối hợp các cơ quan liên quan rà soát công việc của Ban Chỉ đạo liên ngành, cái nào cần thì giữ lại, cái nào không còn cần thiết nữa thì bỏ ra để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đảm bảo ATTP; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho tất cả các đối tượng về đảm bảo ATTP;…
Minh Thư
Nguồn: https://hochiminhcity.gov.vn/-/tiep-tuc-lam-tot-cong-tac-am-bao-an-toan-thuc-pham-e-nguoi-dan-an-tam-voi-thuc-pham-su-dung?redirect=%2Fchinh-quyen