“Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ…” là mỗi lần tôi lại nao nao với những kỷ niệm của mùa xuân và ngày tết. Con người ta thật lạ, xuân năm nào cũng đến, mỗi năm đều đặn vào dịp cố định, vậy mà cái cảm giác chộn rộn mong chờ vẫn cứ háo hức như là tươi mới.
Trẻ con nôn nao đợi chờ kiểu trẻ con, song người lớn cũng có những kiểu đón chờ riêng của mình. Trẻ con xông xênh với những món ăn ngon, đồ chơi đẹp, áo mới, trong khi đó, tâm trạng người lớn cuối năm thì chỉ đầy ắp lo lắng với những hạng mục chi tiêu, con số thống kê, những khoản lương thưởng…
Người lớn tuy thở dài sườn sượt mỗi khi “cuối năm ngồi tính lại sổ đời, ba trăm ngày hơn đã qua mất rồi, đời mình lại tay trắng tay…”, nhưng đến lúc nhìn cảnh trời giáp tết với gió Đông hây hẩy lùa trong nắng vàng ngọt như mật, bầu trời chim én liệng, cành mai bung lộc biếc, hoa khoe sắc chớm nở… thì lại cũng chỉ muốn buông bỏ tất cả mà hòa vào cùng thiên nhiên để đón chào năm mới đến.
Thời còn sinh viên, vào những ngày giáp tết, tôi hay lòng vòng gần bến Bình Đông, đón xem những ghe thuyền tấp nập đưa hoa, kiểng từ miền Tây lên Sài Gòn, nơi tiêu thụ lớn nhất nước vào mỗi mùa xuân. Ngẩn người nhìn những chậu hoa tươi vẫn còn ròng ròng rỏ nước sình bên dưới, tha hồ chiêm ngưỡng những chậu kiểng đẹp, lạ mắt. Những sản vật đặc trưng vùng quê đã được người dân chơn chất miền Tây chăm bẵm suốt cả năm, đưa thành quả lên tận thành phố chào bán, rồi tranh thủ quày thuyền về quê đón ông bà cho kịp giao thừa. Mà lúc ấy không chỉ mình tôi, xung quanh tôi cũng có rất nhiều người dân thành phố kéo đến. Người thì lựa những góc chụp ảnh đẹp, người thì lựa chậu hoa, chậu kiểng ưng ý mang về sớm để trang trí nhà mùa tết. Cảnh mua bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền cứ vậy mà kéo dài suốt mấy ngày.
Giai đoạn nhà tôi dời về khu An Phú Đông (quận 12), xung quanh nhiều nhà vườn rộng rãi, chuyên trồng tỉa mai kiểng cung cấp cho mùa tết. Ngay trước nhà tôi là một gia đình sống bằng nghề này. Gần tết, người người ra vô tấp nập, xem mai, chọn kiểng, đặt mua trước hoặc hợp đồng cho công ty thuê… Năm đó có chậu mai ra hoa sớm quá, không chào bán gì được, chú hàng xóm chuyển qua để đỡ bên sân nhà tôi. Mới chớm qua khỏi 23 Tết mà cây mai đã nở bung vàng rực từ gốc đến ngọn, ai đi ngang cũng trầm trồ. Nhà tôi cũng ra vào nhìn ngắm suốt, tấm tắc khen đẹp, đâu biết đằng sau đó là những tiếng thở dài thườn thượt của ông chú chủ vườn.
Những ngày gần tết, tôi hay chở con đi vòng vòng chợ hoa công viên Gia Định, công viên 23/9… Cha con tranh thủ tham quan, khám phá, biết thêm được nhiều loài kỳ hoa dị thảo được bà con mang đến giới thiệu vào mùa tết; vừa tìm hiểu, hỏi thăm câu chuyện của những nhà vườn đằng sau. Cả ngày nâng niu đám hoa kiểng, tiếp đón người xem, mua, hỏi giá… Đêm xuống, họ chăng bạt, trải chiếu nằm ngủ quanh những chậu kiểng của mình. Học phí năm tới của mấy đứa con, sửa lại cái chái nhà đã quá xập xệ, đầu tư lứa heo mới chuẩn bị đám cưới thằng Hai… tất, tất thảy đều gửi gắm hết trong những chậu kiểng vô tri này.
Và rồi cái cảnh trưa 30 Tết ở chợ hoa lại ập tới, năm nào cũng như năm nào. Cơ quan chủ quản gọi loa reo réo, cần thu hồi mặt bằng trước 12g trưa để vệ sinh dọn dẹp, khách mua vẫn còn nấn ná tìm thêm, nhà vườn thì í ới gọi nhau, dời hoa kiểng qua nơi khác, để tranh thủ bán thêm được chút ít. Những hình ảnh chủ vườn thẳng tay vứt hoa đập chậu sao cứ như những vết cứa đau lòng ngày xuân. Ngoại trừ những chậu kiểng lớn, chưa bán được, buộc phải thuê xe chở về lại để chăm sóc thì những chậu hoa nhỏ, những cành đào, cành mai… đã bị phá bỏ, đập thẳng tay, vứt vào xe rác… Những cành hoa tươi đẹp mà mới trước đó khoảng chừng chục ngày thôi hãy còn được nâng niu, trân quý, cò kè từng đồng lên xuống.
30 Tết nào cũng vậy, gia đình tôi lại vòng vòng cả ngày ngoài đường lùng tìm mua thêm hoa. Mặc dù hoa hay kiểng trang trí trong nhà đã được chuẩn bị đầy đủ từ tầm 23 Tết rồi, song đến thời điểm đó, cứ lại muốn mua thêm ít nữa, hầu đỡ được phần nào hay phần đó, thêm chút doanh thu cuối năm cầu mong cho chủ vườn về quê ăn cái tết ấm cúng…
Chiếc thuyền hoa tươi đẹp của ngày nào đâu chỉ chuyên chở niềm vui, cái đẹp cho đời, mà còn mang theo bao nỗi lo toan, bao giọt mồ hôi vất vả của người lao động chơn chất. Nhiều gia đình chăm bẵm suốt cả năm, chỉ mong từ nguồn thu duy nhất ấy vào mỗi mùa tết. Biết bao người bình thản đón nhận cái đẹp của hoa của kiểng mà không hề quan tâm đến điều này?
NGUYỄN THANH BÌNH
Hóc Môn, TPHCM