Thương mại hai chiều gia tăng
Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Việt Nam và Thụy Điển kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1969-2024). Đây là mối quan hệ đối tác bền vững, được xây dựng trên nền tảng hợp tác truyền thống, tin cậy và sự hỗ trợ quý báu từ Thụy Điển dành cho Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, để gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều, năm 2024, nhân dịp 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thương vụ đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy giao thương.
Cụ thể, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển, diễn ra vào ngày 6/9/2024 tại Stockholm với chủ đề “Chuyển đổi số – Chuyển đổi năng lượng – Đổi mới sáng tạo: Hợp tác vì một tương lai phát triển bền vững”, đã mở ra cơ hội để các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu chính sách và thảo luận về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, công nghệ số và chuyển đổi xanh. Năm biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết tại sự kiện, bao gồm hợp tác giữa Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và Business Sweden, cùng với thỏa thuận giữa các cảng lớn như Tân Cảng Sài Gòn và Cảng Gothenburg, minh chứng cho tiềm năng hợp tác kinh tế và thương mại đầy hứa hẹn giữa hai nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Văn Quỳ – Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á, Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn – đơn vị ký kết hợp tác với Cảng Gothenburg kỳ vọng, bản ghi nhớ hợp tác để cùng xúc tiến thị trường, trao đổi kinh nghiệm trong khai thác cảng đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và phát triển nguồn nhân lực cho ngành khai thác cảng, dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng
“Với những nội dung được đề cập trên, hai bên sẽ phối hợp, nghiên cứu hợp tác, kết nối làm việc với các hãng tàu lớn tại châu Âu có tuyến tàu trực tiếp tại Việt Nam để xây dựng các tuyến vận tải hàng hải trực tiếp từ Việt Nam đến Thuỵ Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung. Như vậy, có thể giảm chi phí logistics, dẫn đến giảm giá thành hàng hoá, đồng thời thời gian vận chuyển nhanh hơn, hàng hoá đa dạng hơn, để tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam nói chung với khu vực Bắc Âu trực tiếp vào thị trường của nhau, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu” – ông Bùi Văn Quỳ nói.
Đoàn công tác TP Hải Phòng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thăm cảng Gothenburg trước khi ký kết bản ghi nhớ hợp tác tháng 9/2024 (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển) |
Bên cạnh đó, sự kiện Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển 2024 trong chuyến thăm chính thức của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác logistics và hàng hải. Tại tọa đàm, MSC – hãng vận tải container hàng đầu thế giới, đã công bố việc mở rộng dịch vụ SWAN (dịch vụ vận chuyển hàng hoá qua tuyến đường hàng hải đi qua 1 số cảng, trong đó có Gothenburg và Vũng Tàu), kết nối trực tiếp cảng Gothenburg và cảng Vũng Tàu từ năm 2025. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa giữa hai nước mà còn củng cố vị thế Việt Nam và Thụy Điển trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin thêm, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tiếp tục ghi nhận những thành tựu nổi bật với việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa Ericsson và Mobifone, thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo 5G tại Việt Nam. Trung tâm này là bước tiến quan trọng trong việc thử nghiệm và phát triển các ứng dụng 5G, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và tạo ra nền tảng cho các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ giữa hai nước.
Đặc biệt, năm 2024, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) tiếp tục là cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư. Thụy Điển hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu, trong khi Việt Nam giữ vị trí là đối tác nhập khẩu hàng đầu của Thụy Điển tại Đông Nam Á. Tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 1,29 tỷ USD vào năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng ổn định, với con số 1,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024. Cùng với đó, Thụy Điển đứng thứ 29 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, với 111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt 743 triệu USD.
Nhờ các giải pháp xúc tiến thương mại được triển khai mạnh, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Điển trong 11 tháng năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng 11,8%, phản ánh sự phục hồi tích cực trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Trong đó, các nhóm hàng như máy móc, thiết bị phụ tùng, sản phẩm may mặc, giày dép, đồ gỗ, chất dẻo và hàng thủy sản đều tăng trưởng ổn định từ 10-20%. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Thụy Điển, bao gồm IKEA và H&M, đã tăng cường đặt hàng sản xuất tại Việt Nam nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Việc tận dụng ưu đãi từ EVFTA cũng tạo lợi thế lớn khi thuế quan và các rào cản thương mại được cắt giảm đáng kể. Điều này giúp các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép và thủy sản trở nên cạnh tranh hơn về giá và chất lượng.
Tập trung vào tính bền vững của sản phẩm
Chia sẻ về xu hướng của thị trường, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho biết, thị trường Thụy Điển đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong xu hướng tiêu dùng, tập trung vào tính bền vững, bảo vệ môi trường và tiêu dùng có trách nhiệm. Người tiêu dùng Thụy Điển ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, ít phát thải carbon, sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc hữu cơ. Phong trào tiêu dùng “lagom” (vừa đủ) khuyến khích lựa chọn sản phẩm có vòng đời dài, tối giản và tiết kiệm tài nguyên.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Thuỵ Điển cũng cần từng bước chuyển đổi xanh để phù hợp tiêu chuẩn của thị trường (Ảnh: Cấn Dũng) |
Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua chính sách của EU như Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn, yêu cầu bao bì và sản phẩm phải có khả năng tái sử dụng hoặc tái chế. Đến năm 2030, các sản phẩm tiêu dùng tại Thụy Điển sẽ cần đáp ứng tiêu chuẩn về vòng đời bền vững.
“Thị trường Thụy Điển với xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững và công nghệ cao mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý chia sẻ. Đồng thời cho biết, đầu tiên, nhu cầu đối với nông sản hữu cơ và thực phẩm chế biến tiếp tục tăng mạnh. Các mặt hàng như cà phê, chè, hạt điều, vốn đã khẳng định được chất lượng trên thị trường EU, có tiềm năng mở rộng thị phần hơn nữa. Đặc biệt, thủy sản chế biến như tôm, cá tra và các sản phẩm hải sản đông lạnh là lựa chọn được ưa chuộng nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Việc phát triển các sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ hoặc thân thiện với môi trường sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh thực phẩm, dệt may và giày dép là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại Thụy Điển. Các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế, hữu cơ hoặc có quy trình sản xuất bền vững được người tiêu dùng Thụy Điển đánh giá cao. Việc đầu tư vào cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế sẽ mở ra cơ hội gia tăng thị phần cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Thụy Điển còn có nhu cầu cao đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hàng hóa mang tính truyền thống, độc đáo. Các sản phẩm như đồ nội thất từ gỗ bền vững, mây tre đan, và đồ dùng trang trí nhà cửa thủ công được ưa chuộng nhờ tính thân thiện môi trường và giàu bản sắc văn hóa. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường ngách tại Thụy Điển.
Do đó, các doanh nghiệp cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 22000, HACCP, IFS để đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu của Thụy Điển và EU. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm quốc tế và các chiến dịch truyền thông;
Doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng bền vững, sử dụng nguyên liệu hữu cơ và bao bì tái chế để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh tại Thụy Điển. Đồng thời, hợp tác trực tiếp với chuỗi bán lẻ lớn: Tìm kiếm cơ hội hợp tác với các hệ thống bán lẻ lớn như ICA, Coop và Axfood để đưa sản phẩm Việt Nam trực tiếp vào kệ hàng.
Việc tận dụng ưu đãi từ EVFTA đã tạo lợi thế lớn khi thuế quan và các rào cản thương mại được cắt giảm đáng kể. Điều này giúp các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép và thủy sản trở nên cạnh tranh hơn về giá và chất lượng. |
Nguồn: https://congthuong.vn/thuong-mai-viet-nam-thuy-dien-tang-truong-118-367090.html