(HCM Cityweb) – Chiều 22/8, HĐND TP.Hồ Chí Minh phối hợp Viện nghiên cứu phát triển Thành phố và Đại học Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc Hội thảo
Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân Sách Hội đồng nhân dân Thành phố Lê Trương Hải Hiếu; Nhà giáo nhân dân – GS.TS. Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải và Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Trương Minh Huy Vũ chủ trì Hội thảo.
Đặt mục tiêu cắt giảm được 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm vào năm 2030
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, nhu cầu giao thông tại TP.Hồ Chí Minh gia tăng nhanh chóng, gây áp lực lên hệ thống giao thông đô thị. Tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân cao dẫn đến tốc độ di chuyển của dòng giao thông giảm, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, Thành phố đã đưa ra mục tiêu đối với lĩnh vực giao thông vận tải là phải cắt giảm được 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm vào năm 2030 dần tiến đến và đạt mục tiêu phù hợp
Theo thống kê đến cuối năm 2023, Thành phố hiện có 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 nghìn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào Thành phố. Mỗi năm Thành phố phát thải khoảng 35 triệu tấn các bon/năm, trong đó ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.
Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức Hội thảo nhằm qua đó đề xuất các giải pháp về phát triển giao thông xanh, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh, thông qua việc đề xuất các giải pháp mang tính khả thi về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế xanh; Đề xuất, hiến kế chính sách và giải pháp để Thành phố đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh hướng đến phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Nhiều giải pháp phát triển giao thông xanh
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Thạc sĩ Mai Hoài Đan, Trường Đại học Tài chính – Marketing đã đưa ra các giải pháp phát triển giao thông xanh tại TP.Hồ Chí Minh. Cụ thể, Thành phố cần đưa chiến lược phát triển giao thông xanh làm trọng tâm; Tuyên truyền tầm quan trọng của giao thông xanh; Quy hoạch phát triển và hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không;Xây dựng các cơ sở hạ tầng cho đi bộ.
Nhà giáo nhân dân – GS.TS. Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải thông tin tại Hội thảo
Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách về hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch; hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá cho các loại hình xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để tổ chức đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ; quy hoạch, nâng cấp nguồn điện để đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho hệ thống các trạm sạc.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Trưởng khoa Vận tải – Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải, cho biết, TP.Hồ Chí Minh đến 12/2022 quản lý gần 9,2 triệu phương tiện, tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó riêng ô tô, TP đang quản lý gần 934.500 xe ô tô, gần 8,3 triệu xe mô tô. Trong đó có 12.575 xe điện, chủ yếu là xe hai bánh.
Số lượng phương tiện giao thông sử dụng chủ yếu là diezel, là nguồn khí thải lớn gây ô nhiễm không khí, chưa kể việc sử dụng nhiên liệu đốt khác; Nhiều loại phương tiện giao thông có chất lượng kém vẫn đang lưu hành dẫn đến thải lượng ô nhiễm không khí từ hoạt động GTVT đang có xu thế gia tăng.
Tại Việt Nam, hiện chưa có một nghiên cứu đi sâu nào về hành vi người tiêu dùng đối với sử dụng xe điện tại các đô thị lớn và các dữ liệu, số liệu về thị trường và người tiêu dùng xe điện tại TPHCM còn rất hạn chế.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái đưa ra khuyến nghị chính sách để thúc đẩy sự phát triển xe điện cá nhân ở TPHCM riêng và các độ thị Việt Nam nói chung.
Theo đó, càn nghiên cứu xây dựng lộ trình phát triển xe điện có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng, cung cấp các chính sách ưu đãi tài chính cho việc sản xuất, sở hữu và sử dụng xe điện, cung cấp chính sách thúc đẩy sự phát triển hệ thống trạm sạc và hoán đổi pin, xây dựng hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn toàn diện liên quan đến xe điện, áp dụng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu bắt buộc cho xe ô tô và xe máy
Giai đoạn 2025 – 2030: Thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; Mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân; Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Toàn cảnh
Đến năm 2040: Từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.
Đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; Chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tham luận tại Hội thảo, đại diện Viện nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh (HIDS), đã thông tin về thực hiện thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông hóa thạch sang phương tiện giao thông sạch tại huyện Cần Giờ.
Cần Giờ đang triển khai các kế hoạch để phát triển kinh tế biển, với các dự án như mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển và xây dựng cảng trung chuyển quốc tế; Mục tiêu đến năm 2030 là phát triển Cần Giờ thành thành phố biển tăng trưởng xanh, thông minh và thân thiện với môi trường; Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Giờ đã có các chính sách bảo vệ môi trường và định hướng phát triển “Cảng Xanh”
Hiện Cần Giờ đang xây dựng các chương trình phát triển giao thông xanh, sử dụng xe điện và nhiên liệu sạch nhằm đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2030
Đại diện HIDS đưa ra nội dung của chính sách của việc chuyển đổi xanh. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông.; Khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình ngoài khoản 1 Điều này chuyển đổi phương tiện giao thông.”
Từ năm 2024 – 2025: Đối với hộ nghèo, hỗ trợ 100% kinh phí; Đối với hộ cận nghèo, hỗ trợ 80% kinh phí; Đối với cá nhân, hộ gia đình khác, mức hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay ưu đãi, cố định trong suốt thời gian vay
Giao đoạn 2026-2027: Phấn đấu mỗi hộ gia đình chuyển đổi ít nhất một phương tiện giao thông. Trong đó, hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay cố định cho tất cả cá nhân, hộ gia đình
Giai đoạn 2028-2030: Khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình còn lại chuyển đổi phương tiện giao thông hoặc mua xe máy điện mới thông qua việc hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay cố định
Đại diện HIDS cho biết thêm, để đánh giá mức độ ủng hộ các giải pháp giao thông xanh ở Cần Giờ, 401 hộ gia đình và 370 du khách đã được phỏng vấn. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá tác động của các giải pháp đến điều kiện đi lại, giảm ô nhiễm và phát triển du lịch, kinh tế.
Đồng thời, họ đề xuất các dự án cần triển khai và tính toán tổng kinh phí chuyển đổi sang năng lượng sạch là 974,4 tỷ đồng (giai đoạn đến 2025 là 319 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 655,4 tỷ đồng), với vốn ngân sách khoảng 384,1 tỷ đồng và vốn doanh nghiệp, xã hội hóa khoảng 590,4 tỷ đồng.
Khách tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm công nghệ xanh trong khuôn khổ Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và đơn vị đã có những ý kiến phát biểu trao đổi bổ sung giúp Thành phố nhìn nhận vấn đề về phát triển kinh tế xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải rõ nét hơn; khái quát được xu hướng chung và những bài học, kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy phát triển giao thông xanh nhằm phát triển kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững; thấy được vai trò và tầm quan trọng của phát triển giao thông xanh cũng như những khuyến nghị, giải pháp đóng góp cho công cuộc xây dựng nền kinh tế xanh của TP.Hồ Chí Minh.
Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, Hội đồng nhân dân Thành phố, ghi nhận và đánh giá cao các chia sẻ nhiệt huyết, thiết thực và hữu ích với tinh thần xây dựng của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đối với công cuộc xây dựng nền kinh tế xanh của Thành phố. Đây là những bài học, kinh nghiệm, những cơ sở để Thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh.
Đây là những cơ sở bước đầu giúp TP.Hồ Chí Minh xây dựng các chương trình, kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông vận tải từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, thực hiện mục tiêu phát triển giao thông xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Sau Hội thảo, Hội đồng nhân dân Thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, năng lượng, phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu…sẽ tiếp tục làm việc để chuyển tải những đóng góp của Hội thảo vào những chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển giao thông xanh và kinh tế xanh tại TP.Hồ Chí Minh.
ZUKI
Nguồn: https://hochiminhcity.gov.vn/-/thuc-ay-phat-trien-giao-thong-xanh-va-kinh-te-xanh-tai-tp-ho-chi-minh?redirect=%2Fchinh-quyen