SGGPO
Đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập, Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù sẽ tổ chức chương trình ca nhạc đặc biệt với tên gọi “Ánh sáng từ trái tim 2023”. Chương trình diễn ra vào lúc 8 giờ 30 ngày 26-11 tại Nhà hát Bến Thành, với sự tham gia của khoảng 150 em khiếm thị và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Tôn vinh tài năng của các em khiếm thị
Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù (gọi tắt là Thư viện sách nói) được ra đời từ trái tim yêu thương của chị Nguyễn Hướng Dương – người sáng lập thư viện, cùng những tấm lòng nhân ái vốn thấu hiểu nỗi khát khao được cảm thụ những cuốn sách của người khiếm thị. 25 năm qua, thư viện đã nâng bước cho người mù trong việc thuận lợi tiếp cận với ánh sáng văn hóa tri thức thông qua sách nói và các hoạt động thiết thực như cấp học bổng, dạy vi tính, dạy sử dụng điện thoại thông minh… giúp những người khiếm thị tự tin, bản lĩnh, chủ động hòa nhập vào xã hội và cộng đồng.
Nhiều năm qua, Thư viện sách nói Hướng Dương đã giúp nhiều người khiếm thị tiếp cận với ánh sáng văn hóa tri thức. Trong ảnh là MC Xuân Hiếu đang thực hiện sách nói cho thư viện |
Nhân vật chính của chương trình “Ánh sáng từ trái tim 2023” là 150 em học sinh khiếm thị đến từ 6 trường và trung tâm khiếm thị của TPHCM; bên cạnh đó còn có các em sinh viên hoặc những người mù đã trưởng thành đã được thư viện hỗ trợ về học bổng, phương tiện để học tập.
Chương trình còn có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Kim Cương, ca sĩ Ánh Tuyết, ca sĩ Ngọc Ánh, ca sĩ Thanh Ngọc, rapper Blacka, Hoa hậu H’Hen Niê, Á hậu Lệ Hằng…
Các em khiếm thị ở Mái ấm Nhật Hồng (Thị Nghè) hăng say tập nhảy cho chương trình sắp tới |
Theo nhà báo Dương Thành Truyền, Trưởng Ban Tổ chức chương trình, tuy là chương trình kỷ niệm 25 năm thành lập thư viện nhưng những người thực hiện sẽ bỏ bớt phần lễ, tập trung vào yếu tố nghệ thuật. “Chương trình không phải để kêu gọi sự thương xót, mà để giới thiệu tài năng, sức sống của các em khiếm thị. Chúng tôi cố gắng giới thiệu và tôn vinh tài năng thực sự của các em. Kỳ vọng của chúng tôi là tiến tới sau này sẽ trở thành một chương trình nghệ thuật được xã hội đón nhận”, ông Truyền cho biết.
Say sưa tập đàn |
Trong thời gian 2 tiếng, các em khiếm thị sẽ lần lượt biểu diễn chung với các tình nguyện viên và các nghệ sĩ nổi tiếng như: nhảy Flashmob mở màn, ca múa, trình diễn thời trang áo…
Giúp người khiếm thị có cuộc sống tốt hơn
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Thư viện sách nói Hướng Dương, cho biết, chương trình ca nhạc đặc biệt “Ánh sáng từ trái tim 2023” được ấp ủ cách đây gần 3 năm nhưng vì tình hình dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên mãi đến nay mới thực hiện được.
“Mục đích đầu tiên của chương trình là nhằm nhìn lại và ghi nhận quá trình 25 năm mà Thư viện sách nói đã cống hiến, tổ chức những hoạt động dành cho người mù của TPHCM nói riêng và của cả nước nói chung. Ngoài ra, chúng tôi muốn xây dựng một chương trình nghệ thuật dành riêng cho những người mù, chính các em khiếm thị sẽ là nhân vật chính của chương trình”, ông Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ.
Một số bạn khiếm thị trưởng thành tập luyện cho tiết mục tốp ca |
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tâm, chương trình sẽ không bán vé, nhưng những người thực hiện sẽ phát hành vé mời với 3 mệnh giá: 1 triệu đồng (68 vé), 500.000 đồng (khoảng hơn 200 vé) và vé phổ biến là 200.000 đồng. “Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ và chung tay của các nhà hảo tâm, để thư viện có thể có thêm nhiều hoạt động thiết thực dành cho người mù, giúp họ có cuộc sống tốt hơn”, ông Tâm bày tỏ.
Nhiều năm qua, Thư viện sách nói không chỉ có những ấn phẩm, tài liệu ở dạng sách nói mà còn có những hoạt động hỗ trợ người mù rất thiết thực như chương trình học bổng cho sinh viên mù với tên gọi “Học bổng Hướng Dương”. Mỗi năm có khoảng 50 suất, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng dành cho những em sinh viên mù từ các tỉnh về TPHCM học đại học, cao đẳng.
Lớp học Tin học lấy chứng chỉ dành cho sinh viên khiếm thị |
Một chương trình học bổng nữa được duy trì nhiều năm nay là “Ánh sao” giúp đỡ cho các em bị mù ở các cơ sở, mái ấm của TPHCM. Mỗi năm, thư viện sẽ trao 250-300 suất, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng cho các em ở tỉnh về, điều kiện còn khó khăn.
Ngoài ra, thư viện còn vận động quỹ cho người mù hoặc mở các lớp dạy sử dụng điện thoại thông minh. Việc giúp người mù tiếp cận với công nghệ giúp họ dễ dàng hơn trong cuộc sống. Có khoảng 500 người mù đã được tiếp cận với chương trình hỗ trợ người mù tiếp cận với điện thoại thông minh.
Vé mời sẽ được phát hành tại Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù (18B Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM).