SGGPO
Chiều 31-8, tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam phối hợp UBND TPHCM, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà ga hành khách và đường băng cất hạ cánh (gói thầu số 5.10 và gói thầu số 4.6) thuộc Dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, theo hình thức trực tuyến hai điểm cầu TPHCM và Đồng Nai.
Tham dự Lễ khởi công tại điểm cầu Đồng Nai có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ, ban ngành Trung ương; tỉnh Đồng Nai có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, cơ quan ngoại giao Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp cùng lãnh đạo một số tỉnh bạn.
Lễ khởi công gói thầu số 5.10 và gói thầu số 4.6 thuộc Dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. ẢNH: HOÀNG HÙNG |
Theo Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), 2 gói thầu quan trọng nhất của Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 gồm gói thầu số 5.10 và gói thầu số 4.6.
Trong đó, gói thầu số 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách với giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, thời gian thi công 39 tháng. Đây là gói thầu xây dựng nhà ga hành khách có giá trị lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất hiện nay và được xem là “trái tim” của sân bay Long Thành. Nhà ga được thiết kế với hình ảnh hoa sen cách điệu các phần như: mái, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục.
Gói thầu số 4.6 xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay với giá trị đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng, thời gian thi công 700 ngày. Đây là gói thầu liên quan trực tiếp tới hoạt động bay an toàn, hiệu quả nên yếu tố tỉ mỉ, chính xác về kỹ thuật được đặt lên hàng đầu. Các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị tối tân hiện nay cũng được áp dụng vào dự án để xây dựng sân bay Long Thành hiện đại, thông minh, tương đương với các sân bay lớn cùng quy mô trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Toàn cảnh Lễ khởi công 2 gói thầu dự án Cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, động viên các đơn vị thi công nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành có tổng diện tích thực hiện khoảng 5.000ha; trong đó, giai đoạn 1 dự án có diện tích hơn 2.500ha, khái toán cho toàn bộ dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,06 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD); công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là công trình đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng không nói riêng, sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước nói chung. Cùng với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành hứa hẹn tạo thành một cụm cảng hàng không hùng mạnh, hiện đại, tương lai trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Tại điểm cầu TPHCM, cũng trong chiều 31-8, ACV phối hợp UBND TPHCM tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đến dự có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT.
Lễ khởi công gói thầu nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất |
Theo ACV (chủ đầu tư), gói thầu số 12 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 thuộc Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là gói thầu lớn nhất của dự án với tổng vốn hơn 9.034 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 20 tháng, hoàn thành đưa vào chạy thử đầu quý II-2025. Khi đó, nhà ga T3 phục vụ 20 triệu lượt khách mỗi năm, giúp nâng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm, cùng với hai nhà ga T1 và T2 hiện hữu.
Nhà ga T3 tổng vốn gần 11.000 tỷ đồng với ba hạng mục chính, gồm: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn. Trong đó, nhà ga có một tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên diện tích 112.500m2.