Phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận một số nội dung: tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; kết quả xử lý kiến nghị, đề xuất của các địa phương gửi đến các đoàn công tác của thành viên Chính phủ làm việc tại địa phương.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã đi qua tháng đầu tiên của quý 3-2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trên thế giới, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng… Lạm phát trên thế giới có thể đã qua đỉnh nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt (FED tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % vào ngày 26-7-2023). Xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu khi Nga, Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, ảnh hưởng đến nguồn cung gạo trên thế giới. Nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao nhất kể từ tháng 4-2023…
Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi chúng ta chịu tác động kép, phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém kéo dài nhiều năm, trong đó có các vấn đề của thị trường trái phiếu, bất động sản… bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khó khăn.
Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt bậc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, chúng ta cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát đề ra với kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực.
Theo Thủ tướng, bước vào tháng 8, mặc dù dự báo tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế nước ta đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc tích cực hơn, nhất là nền tảng kinh tế vĩ mô thuận lợi, tình hình chính trị – xã hội ổn định, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước được giữ vững. Trong tháng 8, có nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có các ngày lễ kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9… và cũng là thời điểm thường xuất hiện mưa bão, rủi ro thiên tai… trong khi đó rất nhiều nhiệm vụ, công việc (thường xuyên, đột xuất, xử lý tồn đọng…) cần tập trung thực hiện để đạt cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng đề nghị phân tích kỹ, khách quan, trung thực, đánh giá toàn diện tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng, trong đó nêu rõ những việc nào đã làm tốt để tiếp tục phát huy và làm tốt hơn, những việc còn chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân khách quan, chủ quan, những kinh nghiệm quý, bài học hay; nhận diện, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới, từ đó đưa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp trọng tâm, điểm mấu chốt, khâu đột phá trong tháng 8, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới. Đặc biệt, đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết phiên họp để hoàn thiện, tổ chức thực hiện.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 6, đóng góp vào kết quả chung của 7 tháng đầu năm 2023, trong đó nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng được thúc đẩy; các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phục hồi tốt. Nông nghiệp tiếp tục có nhiều điểm sáng, là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn, lúa gạo được mùa được giá; xuất khẩu gạo 7 tháng tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá. Sản lượng thủy sản tháng 7 tăng 2,6%, 7 tháng tăng 1,9%. Xuất khẩu nông sản tháng 7 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ; 7 tháng đạt hơn 29 tỷ USD; riêng rau củ quả đã xuất khẩu 3,2 tỷ USD.
Công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tính chung 7 tháng tăng 10,4%. Khách quốc tế tháng 7 đạt hơn 1 triệu lượt người, đây là tháng có lượng khách quốc tế lớn nhất từ sau mở cửa, tăng 6,5% so tháng trước và gấp gần 3 lần so cùng kỳ; tính chung 7 tháng đạt 6,6 triệu lượt, gấp 6,9 lần so cùng kỳ.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 267.630 tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch, tăng 3,38%; về số tuyệt đối tăng 80.780 tỷ đồng.
Các tổ chức quốc tế đánh giá và dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam. IMF dự báo quy mô GDP (tính theo sức mua tương đương) năm 2026 đạt 1.872 tỷ USD, vượt qua Thái Lan và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 ở Đông Nam Á. Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 và tăng trưởng 7%.