Tăng trưởng cả năm 2024 ước đạt trên 7%
Sáng 1.12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; tình hình kinh tế – xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%; dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng.
Tăng 30% lương cơ sở, tăng 6% lương tối thiểu vùng hằng năm cho người lao động và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.
Trong đó đã tích lũy trên 700 nghìn tỉ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới cho năm 2024 và các năm sau.
Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch cả giai đoạn 2021-2030.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2025.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thứ hai, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%.
Thứ ba, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
Đẩy mạnh thanh tra lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực
Thứ năm, bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.
Thứ sáu, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế.
Tập trung phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội; chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo, dự án điện đã đầu tư, dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài.
Theo Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án 153 và các dự án điện, năng lượng tái tạo, một số dự án bất động sản lớn, các dự án BT, BOT, dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh, các dự án bệnh viện ở tỉnh Hà Nam…
Tập trung rà soát, phân loại và xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ các công trình, dự án đang lãng phí đất đai, nguồn lực đầu tư, cơ hội, việc làm, tài sản… và có giải pháp khắc phục rõ ràng, khả thi, hiệu quả để giải quyết dứt điểm, tránh lãng phí, bổ sung nguồn lực cho phát triển. Trong đó, phải có người chịu trách nhiệm và người tháo gỡ.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên.
Thứ bảy, chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ tám, bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/thu-tuong-neu-8-nhiem-vu-giai-phap-chu-yeu-cho-nam-2025-1428953.ldo