Là địa phương đi đầu trong phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN), đến nay sau hơn 30 năm, TPHCM đang nỗ lực làm mới, tăng sức hấp dẫn để tiếp tục thu hút đầu tư.
Sẽ chuyển đổi nhiều KCX-KCN
Năm 1991, KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên của TPHCM và đầu tiên của cả nước ra đời, tạo dấu ấn mạnh mẽ, dần biến mảnh đất 300ha dọc sông Sài Gòn trở thành khu sản xuất tập trung của doanh nghiệp trong và ngoài nước, với doanh số xuất khẩu hàng năm trên 2 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 60.000 người lao động. Tuy nhiên, KCX Tân Thuận sẽ hết thời hạn thuê đất vào năm 2041. Thời gian từ nay đến đó, nếu không có kế hoạch tiếp theo rõ ràng, cụ thể thì rất khó thu hút đầu tư mới, hoặc khó kỳ vọng doanh nghiệp hiện hữu tăng quy mô đầu tư.
Tháng 4-2022, sau nhiều năm chuẩn bị, TPHCM ban hành Đề án định hướng phát triển các KCX-KCN TPHCM giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, sẽ thí điểm chuyển đổi 5 KCX-KCN là KCN Cát Lái, Tân Bình, Hiệp Phước, Bình Chiểu và KCX Tân Thuận. Trong đó, KCX Tân Thuận từ nay đến hết thời hạn thuê đất vào năm 2041 sẽ chuyển đổi theo hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Sau năm 2041, TPHCM sẽ giữ quỹ đất KCX này dành cho phát triển công nghiệp với tiêu chí thu hút đầu tư theo định hướng của thành phố. Việc chuyển đổi này được đánh giá là cần thiết. Dù vậy, cho đến nay việc thí điểm chuyển đổi 5 KCX-KCN này mới chỉ đang ở giai đoạn đề án khoa học, do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thực hiện.
Trong khi đó, các KCX-KCN thời hạn thuê đất còn ngắn cũng khiến các nhà đầu tư quan ngại đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô đầu tư. “Ở góc độ doanh nghiệp thì thời gian thuê đất có thể làm thay đổi nhiều thứ. Nếu TPHCM đang thay đổi ưu tiên, thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, thu hút các ngành mới, làm thế nào giữ chân các doanh nghiệp đang hoạt động và thu hút đầu tư mới. Nhiều nhà đầu tư mới hào hứng với các dự án, song e dè khi thấy thời hạn sử dụng đất còn quá ít”, đại diện một nhà đầu tư đến từ Singapore băn khoăn.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đang có dự án chuyển đổi công năng các KCX-KCN, và sẽ thông tin cụ thể đến nhà đầu tư. Về phần Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu trong năm 2024 cần xác định nhiệm vụ thu hút đầu tư và có đăng ký chỉ tiêu cụ thể với UBND TPHCM.
Gỡ nút thắt cũ, tạo dư địa mới
Hiện TPHCM có 17 KCN, 2 KCX, tổng diện tích khoảng hơn 5.000ha. Đến nay, có gần 1.700 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,41 tỷ USD, trong đó 55% là vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút vào các KCX-KCN đạt 221,11 triệu USD, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2022. Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 18.500 tỷ đồng (tương đương 788,5 triệu USD), tăng 123,7% so với cùng kỳ năm 2022. Với nhiều ưu thế về vị trí, về nhân lực chất lượng cao, thị trường rộng lớn, TPHCM vẫn có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư vào các KCX-KCN.
Trong các chương trình mời gọi đầu tư gần đây, TPHCM đưa ra một số khu vực đầu tư là KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 (597ha) và giai đoạn 3 (500ha); KCN Phạm Văn Hai I (379ha) và Phạm Văn Hai II (289ha). Trong đó, KCN Phạm Văn Hai I và II mới được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch các KCN ở Việt Nam vào tháng 5-2023. Hiện TPHCM đang lên kế hoạch triển khai 2 KCN này, trước mắt đã ghi nhận nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có những tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước đã gửi văn bản đặt vấn đề tìm hiểu đầu tư.
Với các KCN hiện hữu, ngoài việc cần sớm ban hành kế hoạch, lộ trình chuyển đổi vẫn còn một số vấn đề “nút thắt” được doanh nghiệp phản ánh cần tháo gỡ, nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, có doanh nghiệp tại KCN Hiệp Phước đã trả tiền thuê đất 50 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó không thể thế chấp ngân hàng vay vốn, cũng không thể xin cấp phép xây dựng để mở rộng sản xuất, nguyên nhân là chưa xác định được giá đất.
Hay như trường hợp của Công ty TNHH Giấy Xuân Mai tại KCN Hiệp Phước, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ cả chục năm trước, nhưng hiện giờ muốn mở rộng nhà xưởng, lắp đặt thêm máy móc không được. Đại diện lãnh đạo công ty đề nghị được tạo điều kiện có giấy phép xây dựng để việc mở rộng nhà máy nhằm tái sử dụng bã giấy, bột giấy phát sinh trong quá trình sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động, tăng nộp ngân sách nhà nước…
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, trong thời gian tới, để thu hút vốn đầu tư, ban sẽ tăng cường tiếp xúc để hỗ trợ, tư vấn cho các nhà đầu tư tìm kiếm, lựa chọn cơ hội mở rộng dự án. TPHCM cũng sẽ phát huy cơ chế “một cửa tại chỗ”, phân cấp ủy quyền để Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM có thể giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM được UBND TPHCM phân cấp một số thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM, như: thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép môi trường… Việc này góp phần đơn giản hóa thủ tục, tăng sức hấp dẫn khi đầu tư vào các KCX-KCN TPHCM.
Theo Đề án định hướng phát triển các KCX – KCN TPHCM giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM đề ra lộ trình: năm 2023-2024 là giai đoạn xây dựng chính sách, đề án; 2024-2030 là giai đoạn triển khai chuyển đổi các KCX-KCN; giai đoạn 2031-2045 thực hiện chuyển đổi các KCX-KCN. Trong giai đoạn 2024-230, TPHCM triển khai KCN Phạm Văn Hai I và II; gỡ vướng, triển khai các KCN đã có quyết định thành lập nhưng chưa triển khai (Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Phong Phú, Vĩnh Lộc mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng) và các KCN đã có trong quy hoạch phát triển KCN thành phố nhưng chưa được thành lập (Hiệp Phước 3, Vĩnh Lộc 3).
KHÁNH CHÂU