Phát huy lợi thế
Huyện Thống Nhất nằm cách xa trung tâm tỉnh, diện tích khá rộng và có đến 24 dân tộc thiểu số sinh sống, với 2.208 hộ, 8.254 khẩu. Đông nhất là dân tộc Nùng có 631 hộ, 2.419 khẩu; kế tiếp là dân tộc Chơro 531 hộ,1780 khẩu; dân tộc Hoa có 460 hộ, 1677 khẩu… còn lại là nhiều thành phần DTTS khác…
Đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện sống rải rác, xen kẽ ở các xã, thị trấn, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã: Lộ 25, Xuân Thiện, Hưng Lộc và Bàu Hàm 2. Đời sống kinh tế của đồng bào DTTS chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, một số ít hoạt động trong ngành thủ công, do vậy dù tỷ lệ hộ nghèo không còn nhiều (cả huyện chỉ còn 21 hộ nghèo đồng bào DTTS), nhưng mức sống, hưởng thụ thấp so với mặt bằng chung.
Theo đó, giải pháp trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS được huyện xác định là, phát huy lợi thế trong việc khai thác các tiềm năng của địa phương được UBND huyện Thống Nhất chú trọng triển khai thực hiện để giảm tỷ lệ hộ nghèo nói chung và trong đồng các DTTS trên địa bàn nói riêng.
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế trong liên kết vùng, huyện đã bắt tay sắp xếp lại không gian phát triển. Theo đó, huyện quy hoạch khu sản xuất công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung, vùng phát triển nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương cho biết, nằm xa trung tâm tỉnh, nhưng huyện Thống Nhất lại là đầu mối giao thông của tỉnh với nhiều hệ thống giao thông quan trọng của quốc gia, của vùng đi qua như: Đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây; Đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết; Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Dầu Giây – Đà Lạt; Đường sắt Bắc – Nam; Quốc lộ 20; Quốc lộ 1; Đường Vành đai 4…
Với lợi thế này, huyện đã tranh thủ các nguồn lực từ các dự án, chương trình đầu tư của tỉnh kết hợp ngân sách huyện để ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là các tuyến đường kết nối vào hệ thống giao thông quốc gia, đường tỉnh phát triển hệ thống giao thông kết nối thông suốt, liên hoàn giữa hệ thống giao thông quốc gia với mạng lưới giao thông của tỉnh, của huyện đến các đường liên thôn, liên xã, liên ấp.
Đến nay, hệ thống đường giao thông trong huyện đã được nhựa hóa 100%; 10/10 xã-Thị trấn đạt tiêu chí theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông – Vận tải. Đường xã quản lý với 523 tuyến, tổng chiều dài 431,2km đã nhựa hóa và bê tông hóa 378,4 km, đạt tỷ lệ 87,75%; riêng đường trục xã, liên xã, thôn tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đạt 100%.
Giao thông đi trước mở đường đã thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội của Nhân dân trên địa bàn Thống Nhất nói chung và đồng bào các DTTS nói riêng. Đặc biệt huyện Thống Nhất đã vận dụng, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu thập, cải thiện đời sống vật chất và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong Nhân dân; Chú trọng công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, đầu tư hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục; văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn.
Phó chủ tịch Nguyễn Đình Cương phấn khởi thông tin: Khi mới thành lập (năm 2004), Thống Nhất là huyện thuần nông, chưa có khu, cụm công nghiệp; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vừa thiếu, vừa yếu; thu nhập bình quân của người dân dưới 20 triệu đồng/năm.Nhưng đến nay, GRDP bình quân 80 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo giảm còn 245 hộ chiếm 1,66% số hộ trong huyện. Trong đó, có 21 hộ dân tộc thiểu số.
Hiện có 2 xã tiếp tục được hưởng Chương trình Phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 của UBND tỉnh. Chương trình đang được nhìn nhận tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS trong tỉnh bứt tốc, vươn lên kịp mức sống bình quân chung của người dân trong tỉnh
Từ vùng kinh tế khó khăn, đến nay toàn huyện Thống Nhất đã có 09/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02/09 xã nông thôn mới kiểu mẫu; thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 07 Khu dân cư kiểu mẫu được công nhận. Huyện đang đề nghị thẩm định đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Thúc đẩy phát triển bền vững các lĩnh vực
Nhằm duy trì thành quả bền vững trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, nhất là việc bảo đảm đồng bào các DTTS trên địa bàn có cuộc sống ngày một tốt hơn, huyện Thống Nhất đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân tộc. Huyện đã phân công Phòng Dân tộc huyện (nay là Văn phòng HĐND – UBND huyện) là cơ quan tham mưu giúp UBND huyện triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn huyện.
Ở cấp xã, Đảng ủy – UBND các xã, thị trấn phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách về công tác dân tộc, thực hiện các nội dung chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện về công tác dân tộc, kịp thời đảm bảo thực hiện các ý kiến chỉ đạo chung trên toàn huyện kết hợp đào tạo, bố trí cán bộ quản lý là người DTTS làm lãnh đạo chủ chốt tại các địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Thực hiện tốt công tác dân tộc, Huyện ủy – HĐND – UBND – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thống Nhất đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc đến Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở và phổ biến rộng rãi đển các tầng lớp nhân dân; phong trào xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương được người dân đồng tình hưởng ứng.
Ông Trần Đức Hoà
Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, phụ trách công tác dân tộc
Cụ thể, hiện HĐND huyện có 03 đại biểu là người dân tộc thiểu số (02 người dân tộc Tày, 01 người dân tộc Nùng); HĐND xã có 09 đại biểu là người dân tộc thiểu số (02 người dân tộc Nùng, 02 người dân tộc Tày, 02 người dân tộc Hoa, 02 người dân tộc Chơro, 01 người dân tộc Dao).
UBND huyện phân công 01 Phó Chủ tịch, 01 Phó Chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện và 01 chuyên viên phụ trách công tác dân tộc của huyện; UBND 10 xã, thị trấn đều phân công 01 Phó Chủ tịch và 01 Người hoạt động không chuyên trách tham mưu, theo dõi tình hình, công tác dân tộc.
Bên cạnh đó, công tác dân tộc được sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; vì vậy, đã tạo điều kiện thực hiện tốt công tác dân vận đối với đồng bào DTTS trên nhiều lĩnh vực. Đa số cán bộ đã thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm, góp phần giúp địa phương thực hiện có hiệu quả công tác chính sách dân tộc trên địa bàn.
Nhờ đó, nhiều chủ trương định hướng, giải pháp chuyển đổi kinh tế và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Ông Trần Đức Hoà, Phó Chủ tịch UBND huyện, phụ trách công tác dân tộc cho biết: Nhờ kết hợp đồng bộ, vận dụng khoa học các chủ trương chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia vào thực tế, đến nay huyện không còn xã đặc biệt khó khăn.
Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa được quan tâm thực hiện, các ngành chức năng, UBND các xã quy hoạch quỹ đất, kinh phí đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa đạt chuẩn, gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Huyện có một Trung tâm Văn hóa khang trang phục vụ các sự kiện lớn.
Ngoài ra, huyện còn có 01 Trung tâm thể dục thể thao quy mô lớn, hiện đại phục vụ các hoạt động thể dục – thể thao trên toàn huyện. 09/10 xã, thị trấn được đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Thể thao – Học tập cộng đồng đạt chuẩn quốc gia, 42/44 ấp, khu phố có Nhà văn hóa ấp, khu phố.
Các hộ đồng bào DTTS khó khăn tiếp tục được hưởng Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 07 hộ dân tộc thiểu số vay vốn, với tổng số tiền là 247,800 triệu đồng. Thực hiện chính sách tín dụng hộ nghèo đã có 52 hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số vay vốn để phát triển kinh tế, với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Từ đó, giúp các DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS có điều kiện xây dựng, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đồng Nai: Quan tâm gắn kết hạt nhân trong đồng bào DTTS