Khách quan, công bằng để chọn người tài
Cuối tháng 6/2024, Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn thiện kế hoạch thi tuyển phó giám đốc 3 đơn vị là Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Khoa học và Công nghệ trong năm nay.
Thực hiện Nghị quyết 73 của HĐND thành phố Hồ Chí Minh về cải cách hành chính, chế độ công vụ trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, từ cuối năm 2022, chính quyền Thành phố đã thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương tại 6 sở, ngành, quận, huyện.
Vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tổng kết đợt thi để làm cơ sở tiếp tục triển khai trong năm nay. Thành phố sẽ tổ chức hội đồng thi ở hai cấp.
Đây là lần đầu tiên thành phố Hồ Chí Minh thi tuyển lãnh đạo sở. Các quận, huyện, sở ngành thiếu cán bộ quản lý cấp phòng cũng tổ chức thi tuyển.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, so với toàn quốc, thành phố Hồ Chí Minh thi tuyển lãnh đạo chậm hơn, song “sẽ kiên trì thực hiện”.
Địa phương này mong muốn thi tuyển vị trí lãnh đạo sở tạo sự cạnh tranh cho tất cả cán bộ, người giỏi, có tầm và mong muốn cống hiến. Các ứng viên sẽ thể hiện bản lĩnh khi đối diện với hội đồng thi, chuẩn bị tâm thế, kế hoạch, phát triển lĩnh vực được phân công.
Đối với các phòng thuộc Sở, ngành thì tâm thế thi tuyển cũng tương tự để tìm ra được cán bộ giỏi, mong muốn cống hiến.
Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị ở thành phố do UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành hồi tháng 9/2022.
Người đăng ký dự tuyển phải là cán bộ, công viên chức, gồm 3 nhóm: nhân sự tại chỗ, từ nơi khác và được đề cử. Hai nhóm đầu phải nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc tương đương, còn người được đề cử có thể không nằm trong quy hoạch nhưng được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đề cử.
Hội đồng thi tuyển chức danh cấp sở, huyện tối đa 17 người, đứng đầu là Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh; 2 phó chủ tịch gồm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND phụ trách đơn vị có chức danh thi tuyển; nếu cần sẽ mời 1-4 chuyên gia, nhà quản lý.
Với thi tuyển chức danh cấp phòng, hội đồng thi do lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm người trong tổ chức, tối đa 11 người, có thể mời thêm chuyên gia. Thành viên hội đồng thi không có quan hệ gia đình với ứng viên, không bị kỷ luật.
Ngoài ra, cán bộ, công chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn nhưng được lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền đề cử có thể thi tuyển.
Trường hợp đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chỉ được dự thi vị trí cao hơn liền kề chức vụ hiện tại, nếu không phải có thời gian công tác tối thiểu 3 năm trong ngành, lĩnh vực và chỉ thi chức danh phó trưởng phòng hoặc tương đương.
Nên mở rộng đối tượng dự thi
Hồi cuối năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thi tuyển đối với nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý. Cụ thể, Ban An toàn giao thông thi tuyển Phó chánh văn phòng. Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, Trường THPT Quang Trung, Trường THPT An Nghĩa.
Sở Y tế thi tuyển vị trí Giám đốc Bệnh viện Mắt; Sở Công Thương tuyển Phó phòng Tổ chức, cán bộ; Phó phòng Quản lý năng lượng; Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Cao đẳng kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.
Viện Nghiên cứu phát triển tuyển Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế – Xã hội thành phố Hồ Chí Minh. UBND huyện Hóc Môn cần Phó phòng Quản lý đô thị, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường.
Ở góc nhìn chuyên gia, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí, chuyên gia về Luật Hành chính – Nhà nước đánh giá: “Đề án cho thấy quyết tâm đổi mới của chính quyền thành phố, góp phần chuyển đổi mô hình quản lý nhân sự từ chức nghiệp cứng nhắc sang mô hình việc làm, phù hợp xu hướng thế giới”.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cao Vũ Minh, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc thi tuyển lãnh đạo, quản lý sẽ vừa tạo cơ hội cho người bên ngoài đơn vị, vừa tăng tính cạnh tranh và năng lực, phẩm chất của vị trí việc làm.
“Đây là làn gió mới cần được nhân rộng tại thành phố Hồ Chí Minh. Đề án rất có giá trị trong bối cảnh đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng. Bởi lẽ, một bộ máy vận hành lâu năm rất dễ xảy ra tiêu cực vì che giấu cho nhau, nhưng khi một người mới tham gia vào hệ thống sẽ tạo sự cạnh tranh sòng phẳng”, ông Minh nêu quan điểm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá đề án của thành phố Hồ Chí Minh còn những hạn chế khiến cơ chế thi tuyển khó tạo bứt phá.
Việc quy định hầu hết người được thi tuyển phải thuộc diện quy hoạch, hoặc phải đủ điều kiện quy hoạch mới được đề cử cho thấy tiêu chí tuyển chưa tập trung nhiều vào chuyên môn và năng lực, mà chủ yếu là quy hoạch và thâm niên.
“Phạm vi đối tượng tham gia hẹp thì hạn chế được xáo trộn, nhưng khả năng cạnh tranh rất thấp, việc thi tuyển chỉ là một dạng khác của đề cử, bổ nhiệm mà thôi”, bà Trí nói.
Chuyên gia này cho rằng chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cần mở rộng nhóm người được thi tuyển để đạt mục đích chính của đề án là thu hút nhân tố mới và hạn chế tiêu cực. Đối tượng mở rộng có thể vẫn là người trong khu vực công, nhưng tập trung nhiều tiêu chí về chuyên môn, năng lực hơn; ngoài ra có thể tính đến người ở khối tư nhân…
Tại thành phố Hồ Chí Minh, quá trình thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý diễn ra trong 75 ngày, tính cả thời gian phúc khảo. Nếu hồ sơ được đánh giá đủ điều kiện, ứng viên phải trải qua hai vòng thi là viết (180 phút) và trình bày đề án (70 phút).
Sau 2 vòng thi, nếu thí sinh có điểm bằng nhau, Hội đồng thi lấy ý kiến cấp uỷ và lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm để quyết định, ưu tiên theo 4 tiêu chí lần lượt là nữ (với đơn vị chưa có lãnh đạo nữ); người giữ chức vụ cao hơn; chức vụ tương đương thì ưu tiên người giữ chức lâu hơn; nếu không giữ chức vụ lãnh đạo sẽ ưu tiên người thâm niên lâu hơn.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, từ năm 2020, toàn quốc đã có 14 cơ quan Trung ương và 22 địa phương tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở và phòng.