SGGP
Với gần 1.300 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, Mỹ hiện đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đó là chưa kể một khoản vốn không nhỏ được Mỹ đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ 3.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Ford Việt Nam, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Vào năm 2006, việc Tập đoàn Intel quyết định đầu tư vào Việt Nam đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, góp phần đưa cái tên Việt Nam lên bản đồ công nghệ thông tin và điện tử toàn cầu. Sau 16 năm hoạt động, Intel đã đầu tư gần 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó có 475 triệu USD được đầu tư từ tháng 6-2019 đến tháng 12-2020 để tăng cường phát triển, sản xuất các sản phẩm 5G và bộ xử lý Intel Core công nghệ hybrid. Intel Products Vietnam còn giúp tạo ra hơn 6.500 việc làm ở lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có khoảng 2.400 nhân sự chính thức thuộc Intel. Riêng quý 1-2023, tập đoàn này chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) và 15% kim ngạch xuất khẩu linh kiện, điện tử của cả nước.
Cargill Việt Nam đi vào hoạt động từ tháng 2-1995 và là công ty đầu tiên của Mỹ được cấp giấy phép phân phối hàng hóa trực tiếp tại nước ta. Hơn 27 năm hoạt động tại Việt Nam, Cargill đã đầu tư hàng trăm triệu USD, xây dựng 11 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên cả nước và một trung tâm phân phối sản phẩm ở TP Cần Thơ, tuyển dụng khoảng 1.400 nhân viên. Đây cũng là tập đoàn có những đóng góp tích cực vào các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục cho trẻ em Việt Nam, tài trợ hàng trăm điểm trường tại 53 tỉnh, thành và hỗ trợ học tập cho hơn 17.000 trẻ em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Tập đoàn nước giải khát Coca-Cola cũng có mặt ở nước ta từ rất sớm (1994) và hiện đang có 3 nhà máy đặt tại TPHCM, Đà Nẵng và Hà Nội; giúp mang lại việc làm cho khoảng 2.000 lao động, có doanh thu tăng trưởng đều đặn mỗi năm.
Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp khác có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Mỹ hiện đang hoạt động hiệu quả ở Việt Nam như GE Việt Nam, P&G, Kimberly Clark, Crown Cork, 3A Nutrition… Amkor – một tên tuổi trong ngành công nghiệp bán dẫn, có trụ sở chính tại Arizona (Mỹ), cũng dự kiến đưa nhà máy mới tại Bắc Ninh đi vào hoạt động vào cuối năm nay, trong khuôn khổ một dự án có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 500 triệu USD.
Nhiều tín hiệu lạc quan nữa đã nhóm lên hồi tháng 3 vừa qua, khi hơn 50 doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực mới, bao gồm y tế, hàng không vũ trụ, kinh tế số, thương mại điện tử, bán dẫn với những cái tên như Lockheed Martin, SpaceX, Netflix… đã có mặt trong đoàn khảo sát thị trường Việt Nam. Tháng 5-2023, chỉ 2 tháng sau khi lãnh đạo tập đoàn tham gia đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam, Boeing đã khai trương văn phòng mới tại Hà Nội.
Ông Brendan Nelson, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing Toàn cầu, khẳng định, Boeing sẽ hỗ trợ hết sức cho sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ Việt Nam, nỗ lực để phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng “xem xét nghiêm túc” về đề nghị thành lập trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay tại đây. Nếu Việt Nam tiếp tục thành công trong việc xây dựng, củng cố lòng tin của nhà đầu tư, không có lý gì các “đại bàng” của Mỹ lại không bay đến, “lạc nghiệp” lâu dài tại đây.