Viện Kỹ thuật Biển (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho biết, trong tháng 11 vùng ĐBSCL đối mặt với triều cường vượt mức báo động III trong nhiều ngày. Đỉnh triều thường xuất hiện trong khoảng 00-5 giờ và 14-17 giờ tại khu vực phía Đông và trong khoảng 3-8 giờ tại khu vực phía Tây vùng.
Mực nước triều cao nhất trong ngày tại trạm Bến Lức (Long An) liên tục vượt mức báo động III trong các ngày 1-15/11 từ 10-31cm.
Mực nước triều cao nhất trong ngày vượt mức báo động III trong nhiều ngày từ 4-6/11 và ngày 15/11 tại trạm Đại Ngãi (huyện Long Phú, Sóc Trăng). Từ ngày 4-6/11 và 13-15/11 tại trạm Gành Hào (Bạc Liêu), mực nước triều cao nhất trong ngày cũng vượt mức báo động III.
Vào ngày 15/11, các khu vực Hòa Bình (khu vực Gò Công Tây, Tiền Giang), Trà Vinh, Vàm Kênh (Gò Công Đông, Tiền Giang), Bến Trại (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) đều có mực nước triều cao nhất trong ngày vượt mức báo động III.
Tại các khu vực phía Tây, mực nước triều cao nhất trong ngày vượt báo động I, II, III trong nhiều ngày. Tại trạm Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), mực nước triều cao nhất trong ngày vượt báo động III từ 3-13cm vào ngày 3-10/11 và 15/11.
Tại trạm Năm Căn (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) mực nước triều cao nhất trong ngày vượt báo động III từ 3-6cm vào ngày 5-7/11 và 15/11. Riêng tại trạm Cà Mau, mực nước triều cao nhất trong ngày liên tục vượt mức báo động III từ ngày 1-15/11 từ 3-20 cm.
Cũng theo cơ quan dự báo, trong tháng 11/2024 vùng Đông Nam Bộ có mực nước triều cao nhất trong ngày vượt các mức báo động I, II, III trong nhiều ngày và thường xuất hiện khoảng 16-22 giờ và 1-6 giờ.
Từ ngày 1-15/11, mực nước triều cao nhất trong ngày tại TP.HCM đều lần lượt vượt các mức báo động I, II, III trong nhiều ngày. Đặc biệt vào các ngày 2-4/11 và 12-15/11, tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) mực nước triều cao nhất trong ngày vượt mức báo động III từ 1-7cm. Tình trạng này cũng xảy ra vào ngày 3/11 và 14-15/11 tại trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền).
Mực nước triều cao nhất trong ngày tại trạm Thủ Dầu Một (Bình Dương) liên tục vượt mức báo động II, III trong nhiều ngày liên tiếp từ ngày 1-15/11. Đặc biệt từ ngày 1-6/11 và ngày 11-15/11, mực nước triều cao nhất trong ngày vượt mức báo động III từ 1-11cm.
Mực nước triều cao nhất trong ngày tại trạm Biên Hòa (Đồng Nai) liên tiếp vượt các mức báo động I từ 3-20cm vào các ngày 1-15/11 (trừ ngày 9/11).
Viện Kỹ thuật Biển đánh giá, nhìn chung, trong khoảng thời gian 15 ngày đầu tháng 11/2024 mực nước thủy triều tại vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ không cao như đợt triều cường vào cuối tháng 10 nhưng vẫn vượt các mức báo động I, II, III trong nhiều ngày.
Đặc biệt, theo dự báo vào tháng 11/2024 do ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70% trong giai đoạn cuối năm, nên tần suất xuất hiện của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Tác động này kết hợp với triều cường có khả năng gây ngập nhiều nơi.
Do đó, trong khoảng thời gian từ ngày 1-15/11 (đặc biệt là 2-6/11 và 14-15/11) các địa phương thuộc ĐBSCL và Đông Nam bộ nên lưu ý trong việc vận hành hợp lý các công trình thủy lợi. Đặc biệt là các hệ thống cống ven biển và các cửa sông.
Cần gia cố đê, kè (nếu có) đề phòng ngập úng theo các cấp báo động và mức độ ảnh hưởng của bão (nếu có). Đồng thời, kịp thời thông tin cho người dân về thời gian triều cường và nguy cơ ngập, ảnh hưởng của các cơn bão, hướng dẫn biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại.