Tết là sum vầy, tết là yêu thương và tha thứ. Tết đầm ấm, tết tri ân, tết để sống trọn vẹn trong yêu thương. Ai đã từng đón tết tha hương mới cảm nhận được sự thiêng liêng của hương tết ngọt ngào cùng gia đình.
Năm 1990 tôi tốt nghiệp THPT, cuộc sống nhọc nhằn của dân lúa đã làm tắt lụi ước mơ đại học của tôi. Nhớ năm ấy, một gã trai mới lớn hăm hở vác chiếc túi cói dấn thân vào thành phố. Sài Gòn đón tôi bằng muôn ngàn lạ lẫm. Con đường chưa từng bước chân qua, những gương mặt chưa hề gặp gỡ. Và tôi, một dấu lạ giữa ngàn phố đông chen.
Hơn 30 năm trước Sài Gòn không nhiều công ty như bây giờ, những người như tôi chủ yếu làm trong các cơ sở sản xuất gia đình. Năm ấy tôi quyết định làm xuyên tết, đó là cái tết tha hương với nhiều nỗi niềm. Người làm công cuối cùng lên xe về quê như mang theo tất cả náo nhiệt của thành phố đi xa. Dường như Sài Gòn trống vắng trong những ngày cuối năm, cảm giác cô đơn giữa dòng người xuôi ngược thật đáng sợ đối với gã trai đôi mươi như tôi ngày ấy. Đạp xe qua phố càng thèm không gian náo nhiệt chốn quê nhà những ngày cận tết. Bao đèn màu, hoa đẹp bao ánh mắt nụ cười như vô tình rơi vào tầm mắt chứ không hướng về tôi. Nhớ khi đi ngang mẹt bánh tét bà cụ bán bên đường, có nỗi nhớ níu chân tôi dừng lại. Những lần gói bánh tét ngày xưa, ba tôi buộc hai nuột lạt hai đầu và một nuột lạt ở giữa đòn bánh, anh em tôi buộc thêm vào. Không khí tết đậm đặc ngay khi bày lá chuối, gạo nếp, đậu … ra gói bánh hay nhồi bột, cạo đường tán làm bánh in. Giữa Sài Gòn tôi biết tìm đâu ra điều mà ở quê nhà tôi chắc chắn được hưởng? Bà cụ bán bánh hình như cũng hiểu, bà lẳng lặng xếp thêm vài đòn bánh lên mẹt, không mời mua mà nhìn tôi với ánh mắt cảm thông.
Giao thừa tha hương mới thực sự là đêm thức trắng. Nhớ chị em tôi lăng xăng phụ mẹ sắm mâm cúng mà lòng nôn nao. Thời khắc giao thừa, tôi muốn ngồi dậy xách thùng nước đầy vào cửa, muốn đốt chậu lửa hồng giữa nhà như ở quê tôi vẫn làm vào phút đầu tiên của năm mới. Gác trọ vắng lặng, tối om làm tôi giật mình nhận ra giao thừa này đâu phải của tôi. Mấy ngày tết cuộn mình trong căn gác trọ tôi nhớ đến cháy lòng tết sum vầy của gia đình tôi ở quê. Một năm sau, tết đến, tôi vội vàng ôm chiếc túi cói cũ về quê, về với tết sum vầy, tết yêu thương và ngọt ngào ân tình của gia đình.
Suốt bảy năm tôi làm qua nhiều công việc từ làm ruộng, bắt ốc, hứng tôm đến cưa cây chặt củi … để nuôi dưỡng giấc mơ đèn sách. Tôi vào Đại học sau bao nhọc nhằn khốn khó, tuy muộn màng nhưng mơ ước đã thành. Bây giờ, vì công việc, tôi lại xa quê gần mười năm rồi. Mỗi lần tết đến là một lần nhớ tết sum vầy của ngày xưa, như hôm nay tết đang về, tôi nhớ …
Nhớ những ngày cuối năm xưa, thanh niên rủ nhau qua rừng tìm chặt cành mai chưng tết. Vặt lá mai, đốt lửa thui gốc cành mai (nơi chặt rời cây mai) rồi “cắm” vô cái thùng gánh nước, đặt giữa nhà. Vậy thôi mà mai tết như có hồn, đẹp hơn. Bây giờ mua hoặc thuê chậu mai đã sẵn hoa, sẵn nụ mang về chưng sao tôi thấy vô hồn, không đẹp bằng cành mai xưa. Gần mười năm sống ở khu phố này tôi không thấy ai cúng tất niên, cúng giao thừa. Trong gió lạnh cuối đông, nôn nao nhớ bữa cơm tất niên quê xưa. Cúng tất niên để cám ơn ông bà vì một năm an lành, cúng giao thừa rước ông bà về chung vui với con cháu trong ba ngày tết. Có lẽ như vậy mới đúng là tết sum vầy.
Bây giờ tết đang về tôi lại nôn nao ra vào nhớ tết xưa. Nhớ bữa cơm cuối năm gia đình sum họp, nhớ đêm thức canh nồi bánh tét cùng ba tôi, nhớ tiếng gõ khuôn in bánh, nhớ dáng mẹ tôi sắp bánh in phơi sương. Nhớ tết tha hương của tôi ngày mới lớn, tết nay lại xa quê và nhớ.
Tết đang gõ cửa từng nhà, trong gió rét cuối đông hương xuân cũng đậm dần. Tết nay bánh mứt mua sẵn, chậu mai được tỉa tót kỹ càng vẫn thấy thiếu cái gì đó như là tết xưa.
LÊ QUANG THỌ
TP Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk