SGGP
Từ ngày 4 đến ngày 6-8, lần đầu tiên tại TPHCM sẽ diễn ra Lễ hội sông nước, do Sở Du lịch TPHCM phối hợp Sở Văn hóa – Thể thao cùng các sở, ngành tổ chức nhằm quảng bá vùng đất, con người, bản sắc văn hóa đặc trưng… của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
Kinh tế đêm, trong đó có du lịch đêm, mang lại doanh thu rất lớn, nhưng đây vẫn còn là “khoảng trống” chưa được khai thác hiệu quả. Bộ VH-TT-DL vừa có quyết định ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, nhằm tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú và tăng cường khả năng thu hút du khách của du lịch Việt Nam. Hiện tại, nhiều địa phương đang gấp rút triển khai đề án này.
Khách tham quan trụ sở HĐND và UBND TPHCM do Lữ hành Saigontourist triển khai. Ảnh: GIA HÂN |
Từ ngày 4 đến ngày 6-8, lần đầu tiên tại TPHCM sẽ diễn ra Lễ hội sông nước, do Sở Du lịch TPHCM phối hợp Sở Văn hóa – Thể thao cùng các sở, ngành tổ chức nhằm quảng bá vùng đất, con người, bản sắc văn hóa đặc trưng… của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. Lễ hội diễn ra tại cảng Sài Gòn – cảng hành khách tàu biển, công viên Bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Bình Đông và các khu du lịch, điểm đến trên địa bàn. Bên cạnh đó, còn có những hoạt động thể thao dưới nước như: giải đua thuyền ở Bến Bạch Đằng, trình diễn dù lượn, trình diễn bay bằng ván phản lực nước – flyboard, trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao… Ngoài ra, vào các buổi tối, từ 30-40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn trang trí rực rỡ diễu hành dọc bờ sông để quảng bá về lễ hội…
Điểm nhấn của sự kiện là show diễn thực cảnh “Sài Gòn – Dòng sông kể chuyện” lúc 20 giờ ngày 6-8, tại cảng Sài Gòn – cảng hành khách tàu biển… Lần đầu tiên, câu chuyện lịch sử của một Sài Gòn – Gia Định – TPHCM trải dài theo chiều không gian và thời gian, được kể trong 5 chương nghệ thuật gồm “Khẩn hoang”, “Mở cõi”, “Trên bến dưới thuyền”, “Hòn ngọc Viễn Đông”, “Rực rỡ thành phố bên sông”. Đây hứa hẹn là một “bữa tiệc” thịnh soạn, đánh thức tất cả các giác quan của du khách trong và ngoài nước. Có khoảng 700 diễn viên, nghệ nhân dân gian cùng ê kíp đạo diễn, chuyên gia, nghệ sĩ hàng đầu trong ngành nghệ thuật cùng bắt tay thực hiện sự kiện. Để rồi nhắc đến TPHCM, du khách sẽ ấn tượng với không gian sông nước Sài Gòn, các tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực về đêm như Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3)…
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, chỉ ra rằng, hiện nay nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong toàn bộ hành trình. Tuy vậy, các sản phẩm du lịch, dịch vụ kinh tế đêm hiện chỉ tập trung ở nhóm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm (ăn, uống…) là chính, trong khi các yếu tố văn hóa, nghệ thuật – là điểm giữ chân và mang du khách trở lại – vẫn chưa được khai thác đúng mức. Chính vì vậy, ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Công đoàn TPHCM, kỳ vọng, đề án phát triển du lịch đêm của Bộ VH-TT-DL, trong đó cho phép kéo dài dịch vụ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau, sẽ góp phần phát triển kinh tế đêm mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, để có sản phẩm du lịch đêm thu hút khách, cần sự vào cuộc quyết liệt, đầu tư bài bản của nhà nước cũng như tư nhân.
Trong khi đó, tại Hà Nội, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết, năm 2023 các sản phẩm du lịch đêm sẽ tiếp tục được Hà Nội triển khai, đẩy mạnh, nhiều khu di tích đã sáng đèn về ban đêm. Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và rất nhiều di tích khác đang hướng đến việc mở cửa vào ban đêm cùng những hoạt động văn hóa, hoạt động trải nghiệm hấp dẫn.
Tuy vậy, dưới góc độ của một chuyên gia, ông Suhash Chandar, Giám đốc điều hành Asia DMC (chuyên đưa các đoàn khách MICE Ấn Độ đến Việt Nam), góp ý rằng, muốn đón thêm nhiều đoàn khách hơn nữa, các thành phố của Việt Nam cần có thêm những trung tâm mua sắm lớn. Vì nếu so sánh với Thái Lan hay Singapore, dịch vụ mua sắm giải trí của Việt Nam còn ít, chưa đa dạng.
Theo Quyết định 1894/QĐ-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL về việc ban hành Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các địa phương Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Riêng các điểm đến Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện đề án ít nhất một đêm.
Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ đó, hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.