SGGP
Điều 7 của Nghị quyết 98 đã nêu cụ thể ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM. Với xung lực hiện tại: 2,8 tỷ USD (tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022) là tổng vốn đầu tư nước ngoài đã rót vào TPHCM từ đầu năm 2023 đến nay, dự báo chính sách mới sẽ là nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ cho những năm tới!
Nhà máy Samsung tại Khu Công nghệ cao TPHCM Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Doanh nghiệp nước ngoài “đón sóng”
Chia sẻ về vấn đề này, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Intel, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp (DN) Khu công nghệ cao TPHCM, cho biết, ngay khi Nghị quyết 98 được triển khai, nhiều nút thắt về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư của DN đã được tháo gỡ. Đó là những kiến nghị thủ tục liên quan đến hoạt động xây dựng, PCCC, tái đầu tư hạ tầng đường, điện, y tế… kéo dài trong nhiều năm qua đã được tháo gỡ. Quan trọng hơn, dịch vụ hành chính công điện tử được áp dụng tối đa giúp quy trình thủ tục hành chính, cấp phép hồ sơ, giải quyết những vướng mắc được số hóa, minh bạch tiến độ thời gian, nên DN thuận tiện theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, sẽ chủ động cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Với chính sách ưu đãi mới, việc thu hút đầu tư nước ngoài tại TPHCM sẽ khởi sắc hơn. Bà Hồ Thị Thu Uyên cho biết, Tập đoàn Intel đã hoàn tất thủ tục hồ sơ để triển khai đầu tư giai đoạn 2 nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TPHCM. Theo đó, tập đoàn sẽ rót thêm 475 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư tại đây lên gần 1,5 tỷ USD sau 13 năm, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy sản xuất vi xử lý thế hệ 13 Raptor Lake và vi xử lý thế hệ tiếp theo Meteor Lake. Cho tới thời điểm này, nhà máy tại Việt Nam đang sản xuất và chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu về lắp ráp, kiểm định của Intel. Ông Kim Hui Chang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samil Pharmaceutical, tiết lộ, công ty đã đầu tư 92,5 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm. Việc xây dựng, lắp đặt máy móc trang thiết bị đã được hoàn tất và đang đề nghị cấp giấy chứng nhận GMP để đưa vào hoạt động.
Trong khi đó, ông Choi Bundo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham), hồ hởi kể, hàng loạt tập đoàn lớn của Hàn Quốc thuộc nhiều lĩnh vực từ bán lẻ, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất sản phẩm điện, điện tử… đã có mặt tại Việt Nam. Đó là Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex, Công ty Suheung Vietnam, Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre, Công ty TNHH CJ Foods Việt Nam… Các DN Hàn Quốc không ngừng gia tăng về quy mô cũng như số lượng.
Điều này đã minh chứng Việt Nam không chỉ là thị trường tiềm năng với quy mô 100 triệu dân mà còn là môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định. Tính lũy kế đến nay, Hàn Quốc đã có 2.135 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD, chiếm 9,64% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM. Trong thời gian tới, nhiều DN Hàn Quốc sẽ đổ mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ văn hóa số, thương mại điện tử, sản phẩm tự động hóa, chế biến lương thực thực phẩm…
Tiếp sức cho doanh nghiệp đầu tư
Về “sức nóng” thu hút đầu tư nước ngoài, theo Cục Thống kê TPHCM, từ đầu năm 2023 đến nay không chỉ tăng vốn đầu tư mà còn có đến 514 dự án cấp mới (tăng 69,1% so với cùng kỳ) và 163 dự án điều chỉnh vốn đăng ký (tăng 139,7%). Ngoài ra, có đến 1.089 nhà đầu tư nước ngoài thực hiện vốn góp là 2,2 tỷ USD, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Đào Minh Chánh cho biết, ở lĩnh vực thu hút đầu tư, TPHCM ưu tiên công nghệ cao, nền tảng số, công nghệ số; phát triển, ứng dụng công nghệ để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, năng lượng mới, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và môi trường… Hiện thành phố đã công khai chi tiết 197 dự án cần DN đồng hành đầu tư xây dựng, trải rộng trên hầu hết các lĩnh vực giao thông, vận tải, thương mại, dịch vụ, y tế, du lịch… Đây được xem là cơ hội để thu hút mạnh DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư trong thời gian tới.
Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động đầu tư, vừa qua tại cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải tách và hợp nhất tất cả chức năng xúc tiến thương mại đầu tư về một đầu mối là Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), đồng thời nâng cấp thành bộ phận một cửa chuyên trách hỗ trợ DN đầu tư mới cũng như giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động. Mục đích của giải pháp này là tránh tình trạng DN vào đầu tư nhưng bị “rối” do phải chuyển hồ sơ qua nhiều cơ quan hành chính, rối rắm, phức tạp!