SGGP
25.000 là số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong cả nước. Có đến hơn 96% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, cộng với việc năng lực liên kết còn hạn chế đã khiến cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ chưa tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đơn hàng “dồn dập”
Chia sẻ về bức tranh toàn cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nhu cầu thị trường ngành công nghiệp hỗ trợ được đánh giá rất tiềm năng khi đạt khoảng 300 tỷ USD vào năm 2030. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung cấp linh kiện ngành ô tô, xe máy, điện tử… cho các tập đoàn lớn như Honda, Toyota THACO, Samsung, Panasonic, Sanyo…
Chưa dừng lại đó, thời gian qua, nắm bắt được năng lực cung ứng ngày càng cao tại thị trường Việt Nam, nhiều chuỗi cung ứng lớn toàn cầu đã đến tìm kiếm nguồn cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Công ty Dệt may Nguyên Dung (quận 12, TPHCM) áp dụng công nghệ dệt vải kháng khuẩn, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Cùng chung nhận định, bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) nói, chỉ tính riêng trong VASI đã có 300 doanh nghiệp thành viên với quy mô sản xuất nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những thị trường được doanh nghiệp khai thác mạnh bao gồm Hoa Kỳ, châu Âu, Bắc Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc…
Riêng trong năm nay, tới thời điểm này, các doanh nghiệp đã khai phá thêm 2 thị trường mới là châu Phi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Những sản phẩm lợi thế mà doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sản xuất bao gồm: linh kiện cung ứng ngành công nghiệp ô tô, máy móc công nghiệp, thiết bị công nghệ, điện tử; hoặc nói chung là các linh kiện sản xuất từ nguyên liệu nhôm, đồng, nhựa, tự động hóa, sản phẩm đơn chiếc, khuôn chế tạo chất lượng cao… Những linh kiện đòi hỏi nhiều công đoạn gia công cũng là lợi thế của Việt Nam.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TPHCM, cung cấp thông tin khá thú vị, đầu tháng 9 này các doanh nghiệp thành viên Hội Cơ khí điện TPHCM đã tiếp cận Tập đoàn Boeing khi người đại diện đến Việt Nam tìm mua sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, những linh kiện mà tập đoàn này tìm kiếm khá mới mẻ so với sản phẩm truyền thống doanh nghiệp trong nước đang sản xuất. “Đó là cơ hội to lớn nhưng cũng là thử thách rất lớn cho ngành công nghiệp hỗ trợ bước ra sân chơi toàn cầu”, ông Đỗ Phước Tống nhận xét.
Cần “điểm chỉ” thị trường
Về tiềm năng ngành công nghiệp hỗ trợ, bà Trương Chí Bình phác thảo, đơn cử với thị trường Hoa Kỳ, tại khu vực bang Michigan, Illinois, Texas… đang tập trung số lượng lớn doanh nghiệp cơ khí của nhiều lĩnh vực như: công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ, máy móc công nghiệp, thiết bị công nghệ, điện tử…
Đây sẽ là nguồn đơn hàng dồi dào cho ngành công nghiệp hỗ trợ cung ứng linh kiện phù hợp, nhưng các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự tiếp cận. Hay như tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, đơn đặt hàng hiện khá ổn định nhưng xu hướng đơn đặt hàng đang có nhiều thay đổi theo hướng đa chi tiết và giá trị gia tăng cao hơn thì doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được.
Công nhân Công ty Minh Nguyên tại Khu Công nghệ cao TPHCM trong khâu kiểm tra chi tiết sản phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Để sớm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những khó khăn nói trên, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, cho rằng, doanh nghiệp sản xuất cần chủ động trong tìm kiếm, tiếp cận các đối tác khách hàng. Cùng với đó, phải đầu tư tập trung cho những sản phẩm truyền thống, chiến lược, thay vì dàn trải sản xuất nhiều loại sản phẩm.
Các doanh nghiệp cũng cần liên kết để tạo hệ sinh thái chung sản xuất những cụm sản phẩm hoặc sản phẩm đa chi tiết để có cơ hội gia nhập sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, cơ quan nhà nước phải cân đối lại tỷ giá, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp sớm chuyển đổi công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu của đối tác nhập khẩu.
Về khai thác thị trường, rõ ràng tham tán thương mại đóng vai trò rất lớn trong việc khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu sản phẩm. Theo kiến nghị của một số doanh nghiệp, các tham tán cần cập nhật kịp thời thông tin rào cản kỹ thuật, phương thức thanh toán phù hợp từng thị trường để tránh nguy cơ doanh nghiệp bị lừa, bị trả lại hàng khi xuất khẩu.
* Ông MAXIME DOURDAN, Giám đốc chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc:
Nhà cung cấp cũng phải có năng lực về tự động hóa để đáp ứng được những tiêu chuẩn mà tập đoàn Boeing nói riêng và các tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối nói chung yêu cầu.
Không có giải pháp đơn lẻ nào cho sự phát triển chuỗi cung ứng mà phải là giải pháp đồng bộ. Và để làm được vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự liên kết thành hệ sinh thái để tạo ra sản phẩm đa chi tiết, có tính đến kết hợp với kỹ thuật điện tử.
Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất và cung cấp thẳng cho tập đoàn Boeing hoặc tập đoàn lớn trên toàn cầu. Để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp nhất định phải có sự chuẩn bị dài hơi.