Đã từ ngàn năm nay, những con suối là nơi các bậc chân tu lập am thiền định, nơi người vùng rừng lập miếu thờ các thần linh cầu an, nơi nhiều danh nhân rũ áo từ quan về ở ẩn.
Suối nước trên ngàn cũng gắn với ý niệm về nguồn tiên dược, gắn với sự tích “Đào Nguyên”, dòng suối hoa đào ở chốn Thiên Thai, nơi Lưu Thần, Nguyễn Triệu thời Hán bên Trung Quốc gặp tiên và kết duyên khi đi hái lá thuốc, đã du nhập vào Việt Nam với những phiên bản Từ Thức gặp tiên ở Nga Sơn (Thanh Hóa).
Nức tiếng từ nhiều thế kỷ đến tận bây giờ là suối Yến ở chùa Hương Tích (Mỹ Đức, Hà Nội). Tên chữ là Yến Vĩ, suối là một nguồn nước chảy quanh vùng núi Hương Sơn, tạo ra một vùng đầm lầy tự nhiên và cuối cùng nhập dòng sông Đáy, tổng cộng dài 4km
Đây cũng là một chặng trong hành trình vãn cảnh chùa Hương Tích đã thành nếp của khách thập phương. Thực tế chính cảnh sắc suối Yến đã làm nên vẻ đẹp của quần thể, khi làm mềm hóa những hang động và núi non soi bóng xung quanh.
Nếu mùa xuân những cây hoa gạo bên bờ là điểm nhấn thì mùa thu, cả dòng suối Yến rực rỡ hoa súng tím, hồng, khiến cho mùa du lịch chùa Hương không chỉ còn là 3 tháng mùa xuân nữa.
Nhiều dòng suối đã thu hút người hành hương như Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Ao Vua (Ba Vì, Hà Nội), Suối Mỡ (Lục Nam, Bắc Giang) hay suối Giải Oan (Yên Tử, Quảng Ninh) tạo ra những trầm tích văn hóa tín ngưỡng, khiến cho những dòng suối trở thành nơi ký thác những khát vọng bình an, tẩy trần phiền muộn cho nhân sinh.
Thậm chí những dòng suối cá thần ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa), khi đồng bào dân tộc Mường, Thái bằng ý thức bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên, cũng tạo ra một huyền thoại nho nhỏ cho vùng sơn cước.
Tạp chí Heritage