SGGP
Xác định tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam đã rất rõ ràng và cấp bách, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng 2 dự thảo nghị quyết về vấn đề này, dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua theo quy trình 1 kỳ họp (kỳ họp thứ 6, khai mạc tháng 10 tới đây).
Đến từ một trong những quốc gia chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam, đánh giá khi thuế suất này được áp dụng, các công ty đang hưởng ưu đãi thuế của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp bổ sung lên mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ đặt trụ sở.
Điều này làm tăng gánh nặng tài chính về thuế cho tập đoàn, ảnh hưởng đến quá trình hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty là đối tượng áp dụng, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Đại diện Samsung Việt Nam đề xuất áp dụng các hình thức hỗ trợ mới.
Công ty TNHH Canon cũng kiến nghị, Chính phủ Việt Nam có những chính sách bù đắp cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của quy định mới như hỗ trợ trực tiếp chi phí đầu tư, chi phí nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ sản xuất những sản phẩm được ưu tiên thu hút đầu tư cũng như chi phí xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, các hoạt động giảm phát thải nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường…
Chia sẻ với nỗi lo của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng, các cơ quan quản lý cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác (một số quốc gia trong khu vực đang áp dụng cơ chế này như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines). Cùng với đó, Việt Nam có thể tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm thiểu, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các chi phí ngầm mà các doanh nghiệp đang gánh chịu.
Không thể phủ nhận những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp nói riêng và qua đó tác động làm “vơi” đi túi tiền ngân sách nói chung, song tác động tích cực của thuế suất tối thiểu toàn cầu là góp phần giúp Việt Nam cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và đặc biệt giúp tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2021 có 14.293 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Một nghịch lý đã tồn tại, thậm chí hàng thập niên, là trong khi báo lỗ triền miên, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Vậy nên, thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra không ít thách thức nhưng cũng là sức ép lành mạnh để Việt Nam phải thu hút đầu tư bằng những nỗ lực cao nhất để kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và ít rủi ro nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.