1. Trong phạm vi đô thị, con người nhận được từ quá khứ các tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa được xã hội coi là có giá trị, cần được bảo tồn và chuyển giao cho các thế hệ sau. Mất di sản là mất những đặc trưng để nhận diện một đô thị, một cộng đồng trong thế giới toàn cầu hóa. Do đó cần nhận diện những đặc trưng cơ bản của di sản văn hóa đô thị, để ứng xử phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển đô thị bền vững, nhân văn.
Sài Gòn – TPHCM nhìn từ góc độ di sản văn hóa đô thị có 4 đặc trưng cơ bản. (1) Đô thị sông nước và hướng biển. Điều này xác định vị thế địa – văn hóa, địa – kinh tế của Sài Gòn. (2) Trung tâm kinh tế dịch vụ và liên kết trong và ngoài nước từ khi khởi lập đến nay. (3) Đô thị đa dạng văn hóa từ nhiều cộng đồng dân cư, nhiều nguồn gốc, tộc người… do quá trình hòa hợp, giao lưu, tiếp nhận văn hóa, lối sống, tín ngưỡng tôn giáo, kinh tế, kỹ thuật… (4) Đô thị quy hoạch theo kiểu phương Tây nhưng kết hợp yếu tố truyền thống: phát triển 2 khu vực Sài Gòn/Chợ Lớn với 2 chức năng hành chính và thương mại.
Do đó, nói đến Sài Gòn – TPHCM là nói đến đô thị sông nước và phát triển cảng thị; đô thị hiện đại về kinh tế – văn hóa; con người cởi mở, nghĩa tình. Những yếu tố này quyết định vị thế chính trị của Sài Gòn trong quá khứ và TPHCM hiện nay, chính là những yếu tố không thể đánh mất trong quá trình hiện đại hóa, vì nó sẽ quyết định sự phát triển tương lai của thành phố.
2. Di sản văn hóa đô thị có tầm quan trọng, vì nó là bằng chứng để thực hiện chức năng kết nối quá khứ và hiện tại. Các loại hình di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TPHCM phản ánh lịch sử thành phố từ thời thế kỷ 18 đến nay. Không chỉ vậy, lịch sử công nghiệp, thương nghiệp – nhất là xuất nhập khẩu lúa gạo không thể không ghi nhận hệ thống bến cảng – nhà máy xay xát lúa gạo ở Sài Gòn, hệ thống bến – chợ với 2 trung tâm lớn là chợ Bến Thành, chợ Bình Tây; hệ thống công trình kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo cho biết về lịch sử các cộng đồng dân cư của thành phố… Di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi là minh chứng cho xóm nghề nổi tiếng “gốm Sài Gòn”, cùng với sự phát triển của kỹ thuật sản xuất đồ gốm đặc trưng, mà ngày nay nhiều sản phẩm còn lại đã trở thành cổ vật quý giá.
Bên cạnh đó, các hình thức kiến trúc từ công trình công cộng đến công sở, từ công trình dân dụng đến công trình mỹ thuật… đã cho biết sự đa dạng về văn hóa cũng như các giai đoạn lịch sử dưới các thể chế chính trị. Khu Chợ Lớn với cộng đồng người Hoa có thể là thí dụ về sự lắng đọng của lịch sử trong khoảng gần 200 năm với sự bảo tồn các hội quán, đền, miếu, dãy phố cổ và những sinh hoạt đặc trưng ở đó. Hay cảnh quan sông nước, trên bến dưới thuyền là sinh hoạt đời thường hàng trăm năm nhưng thực sự có giá trị thẩm mỹ nghệ thuật vào những ngày giáp Tết, ghe miền Tây chở hoa, cây kiểng và nhiều thứ khác lên bến Bình Đông. Tất cả đã nối tiếp nhau duy trì giá trị thẩm mỹ của di sản văn hóa, càng theo chiều dài lịch sử càng được nâng cao và tôn vinh.
Di sản đô thị còn có giá trị truyền thông và tạo dựng thương hiệu cho đô thị. Những hình ảnh biểu trưng về một đô thị, một khu vực thông qua di sản vật chất hoặc tinh thần: Bến Nhà Rồng, Tòa nhà UBND TPHCM, nhà thờ Đức Bà, miếu Bà Thiên hậu… hay những địa danh Thủ Thiêm, Thủ Ngữ, Bến Nghé, Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn… Lưu truyền những biểu tượng này ngoài ý nghĩa lịch sử còn có ý nghĩa tạo dựng thương hiệu văn hóa cho thành phố.
Bản sắc và truyền thống văn hóa đô thị thể hiện trong sự hòa hợp, thống nhất của cảnh quan đô thị và lối sống thị dân. Cảnh quan đô thị gồm cảnh quan tự nhiên, quy hoạch – kiến trúc, những di sản văn hóa vật thể… Lối sống thị dân quan trọng nhất là sự thể hiện mối quan hệ thực sự gắn bó với đô thị, những quan hệ với cộng đồng, ứng xử với môi trường của thị dân vừa phù hợp với điều kiện riêng của từng đô thị, vừa là nét văn hóa tinh túy của các vùng miền, đồng thời cũng phản ánh sự giao lưu và hội tụ tinh hoa văn hóa. Tất cả được chọn lọc qua quá trình phát triển và làm nên hồn vía, cốt cách của đô thị đó.
3. Tính chất khác biệt độc đáo nhất của di sản văn hóa là sự không thể tái tạo hoặc thay thế, khác với những tài sản có giá trị kinh tế khác. Giá trị “vốn xã hội” của di sản văn hóa cần nhìn nhận trong một phạm vi rộng, tầm vĩ mô. Khi các đô thị đang vùn vụt phát triển, thay đổi hàng ngày, giá trị di sản văn hóa luôn giúp người dân, giúp nền kinh tế phát triển. Kinh nghiệm của nhiều đô thị, nhiều quốc gia trong việc khai thác giá trị di sản văn hóa bằng các phương thức, như tạo dựng hình ảnh cảnh quan cho khu vực di sản văn hóa, góp phần làm tăng giá trị của cả khu vực và là điểm nhấn cho cả vùng, qua đó truyền tải ý nghĩa và giá trị di sản đến với cộng đồng, tạo thói quen và ký ức cho cộng đồng về di sản văn hóa.
Những năm gần đây “cơn lốc” hiện đại hóa hạ tầng đô thị ở TPHCM có tác động không nhỏ đến sự tồn tại của hệ thống di sản, ảnh hưởng tiêu cực đến đặc trưng và thương hiệu văn hóa của thành phố. Việc nhận dạng và bảo vệ những đặc trưng và thương hiệu thông qua bảo tồn các loại hình di sản đô thị, phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm hướng đến xây dựng đô thị hiện đại nhưng có chiều sâu ký ức lịch sử. Bảo vệ di sản văn hóa luôn là tiêu chí quan trọng của “thành phố đáng sống, thành phố sống tốt” ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nguyễn Thị Hậu