SGGP
Tuần qua, giới giải trí tràn ngập thông tin không vui: chuyện nam ca sĩ nọ dính những nghi vấn không rõ ràng trong việc dùng hình ảnh của ngôi sao quốc tế, chuyện nữ ca sĩ kia tỏ ra “trịch thượng” ở một buổi họp báo…
Những vấn đề không mới, nhưng nó đủ sức nặng như “giọt nước tràn ly”, lĩnh vực giải trí – nghệ thuật đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề giữa người làm nghề và khán giả. Phải chăng hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta nói về quyền của khán giả.
Ồn ào trong giới giải trí như một lẽ tự nhiên, bởi đôi khi những tai tiếng là bước đệm để được chú ý hơn khi chuẩn bị ra mắt một sản phẩm âm nhạc, phim ảnh, hay dự án mới. Và khán giả trong nước, vốn quen thuộc với câu “mau giận, dễ quên”, khi người nổi tiếng từ tai tiếng vẫn ngang nhiên dự sự kiện thảm đỏ, góp mặt trong các bảng xếp hạng giải trí sau vài ba câu xin lỗi trên trang cá nhân hay livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội) với đôi mắt đỏ hoe. Lối hành xử này, hẳn là câu chuyện văn minh, bởi “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”.
Chính vì thế mà câu chuyện “phong sát” vẫn còn xa vời với giới nghệ sĩ trong nước. Nhiều người đi lên từ những lùm xùm và khẳng định vị trí bản thân như “cú lội ngược dòng” ngoạn mục, trở thành gương mặt ăn khách trong những dự án phim ảnh, sân khấu. Nhưng đó phải là lời xin lỗi chân thành và một sản phẩm giải trí sáng tạo lành mạnh.
Gần đây, khi một nữ ca sĩ gen Z vướng ồn ào tình cảm. Lời xin lỗi chẳng ăn nhập vào đâu, chẳng thấy được sự chân thành, đã góp phần không nhỏ khiến những đêm diễn trở lại của cô hoàn toàn trống vắng khán giả. Hay, việc bỏ theo dõi các chương trình có sự tham gia của nam ca sĩ có hành vi lợi dụng tên tuổi người khác, giảm số lượng lượt nghe các ca khúc của cô ca sĩ “trịch thượng”…, sự phản ứng của khán giả bằng cách quay lưng với nghệ sĩ đã cho thấy cách mà khán giả sử dụng cái quyền của mình một cách cụ thể và cũng là hiệu quả nhất. Ngược lại, chính từ sự ủng hộ và yêu thương của khán giả, có những cái tên xuất phát từ mạng xã hội đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi, tài năng.
Thậm chí, có những nghệ sĩ, dù cả đời không có tấm huy chương hay danh hiệu nào, nhưng tận khi đã khép lại hành trình nghệ thuật vẫn ở mãi trong lòng khán giả. Đó chính là sự tôn vinh lớn lao nhất, hạnh phúc nhất của một người làm nghệ thuật.
Làm nghệ thuật vốn đòi hỏi sáng tạo, và cá tính riêng của người nghệ sĩ, bởi nếu giống nhau thì đó chỉ là sự sao chép nhạt nhẽo. Nhưng cá tính sáng tạo và cách ứng xử với khán giả là hai chuyện khác nhau, đừng để đến lúc người thụ hưởng dùng đến quyền khán giả thì lại lấy lý do hãy nhìn vào tác phẩm, đừng soi đời tư!