Phục hồi từ mức đáy
Quý II, quý III vừa qua ngành thép trầm lắng trở lại, nhưng nhìn chung vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định hơn so cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, cuối quý III đầu quý IV, ngành thép đón nhận “lực đỡ” quan trọng đến từ “sức nóng” của ngành thép Trung Quốc.
Năm 2024, ngành thép đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, với thách thức còn đang hiện hữu, năm 2025 ngành thép vẫn cần thêm thời gian để bứt phá. Ảnh: Thép Hoà Phát |
Vào thời điểm này, giá thép tại đây đã phục hồi từ mức đáy nhiều năm và thậm chí leo lên mức đỉnh 3 tháng. Giá nguyên liệu thô sản xuất thép là quặng sắt cũng liên tục tăng cao.
Theo đó, giá thép trên thị trường nội địa cũng bắt đầu tăng trở lại kể từ cuối tháng 9. Sau nhiều lần điều chỉnh tăng liên tiếp, hiện thép trong nước ổn định quanh vùng giá 14 triệu đồng/tấn.
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, vừa cung cấp 10.000 tấn ống thép cỡ lớn vào Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á tại Đông Anh (Hà Nội). Sản phẩm được sử dụng tại dự án là các loại ống thép cỡ lớn để gia công kết cấu thép.
Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, trong bối cảnh cầu thị trường thế giới đang dần hồi phục, Hòa Phát tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu thép xây dựng. Tính đến hết quý III/2024, sản lượng thép xuất khẩu của Hòa Phát đã vượt 1 triệu tấn, tương đương cả năm 2021.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép khác như Công ty CP Thép Nam Kim, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen… cũng khởi sắc trong sản xuất và tiêu thụ.
Đánh giá về triển vọng ngành thép, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho hay, năm nay, ngành thép Việt Nam đã có nhiều tín hiệu phục hồi và dần ổn định trở lại sau thời gian dài lao dốc. Các dữ liệu phục hồi chủ yếu vẫn so sánh dựa trên mức nền thấp của năm ngoái. Do vậy, trong ngắn hạn, ngành thép nước ta chưa thể bứt phá sang giai đoạn tăng trưởng mới và dự kiến tiếp tục diễn biến trầm lắng, ít nhất là trong nửa đầu năm sau. Nhưng xét về mặt cơ hội thì đây có thể coi là thời gian để ngành thép Việt Nam nỗ lực cải thiện và tìm kiếm hướng đi bền vững hơn trong tương lai.
Liên quan đến vấn đề này ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay, dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép thành phẩm năm 2024 tăng trưởng 1,9% so với năm 2023, trong đó nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực châu Âu tăng trưởng 5,7% (đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam), khu vực 5 nước ASEAN tăng trưởng 5,2%.
Năm 2025 – thị trường nội địa sẽ bứt phá
Theo các chuyên gia, bước sang năm 2025 thị trường thép nội địa sẽ bứt phá. Động lực chính là sự hồi phục của thị trường bất động sản khi nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh được dự báo tăng trung bình 21%/năm trong giai đoạn 2025 – 2026.
Sức bật từ nhu cầu nội địa sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của doanh nghiệp ngành thép trong thời gian tới. Trước đó, ngày 5/12/2024, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, một thành viên của Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức khai lò thổi 300 tấn tại Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, nằm trong Khu kinh tế Dung Quất.
Theo kế hoạch, siêu dự án sẽ được đưa vào sản xuất giai đoạn 1 trong năm 2025, lò cao 1 đi vào vận hành 50% công suất, tương đương 1,4 triệu tấn, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát. Đến năm 2026, lò cao số 2 sẽ bắt đầu hoạt động với 50% công suất, trong khi công suất lò số 1 được nâng lên 80%. Đến năm 2028, toàn bộ hệ thống sẽ đạt công suất tối đa.
Bà Võ Thị Ngọc Hân, Giám đốc Nghiên cứu cao cấp ngành công nghiệp và công nghệ, Công ty Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh cho rằng, ngành thép có triển vọng lạc quan nhờ hoạt động đầu tư lớn của Chính phủ vào cơ sở hạ tầng, cùng sự hồi phục của thị trường bất động sản khi các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, dự án được khơi thông. Dự báo, tiêu thụ thép tại Việt Nam khi kết thúc năm 2024 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 14% và năm 2025 tăng 11%.
Trước mắt, để “vực” dậy ngành thép, theo các chuyên gia kinh tế, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, dẫn dắt, thu hút đầu tư toàn xã hội để gia tăng tổng cầu cho ngành thép.
Đồng thời, khẩn trương triển khai hiệu quả các Quy hoạch vùng, địa phương và các quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có 4 quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, góp phần tạo nhu cầu tiêu thụ và khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ sản xuất thép.
Bộ Công Thương mới đây đã đề nghị các hiệp hội ngành hàng phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép; tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về nhu cầu sắt, thép, đặc biệt là sắt thép xây dựng cho các doanh nghiệp để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thép chủ động trong sản xuất, cân đối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.