Thị trường giao dịch hàng hóa sẽ tiếp tục sôi động trong 6 tháng cuối năm Toàn văn dự thảo quy định hoạt động mua bán qua Sở giao dịch hàng hoá |
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 khách mời là đại diện các Bộ, ngành Trung ương; Uỷ ban nhân dân, các Sở, ban, ngành TP. Hồ Chí Minh; Uỷ ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; Uỷ ban nhân dân các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ; Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam; cùng các cơ quan, đơn vị liên quan và các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Quang cảnh Hội thảo |
TP. Hồ Chí Minh khẳng định vị thế “đầu tàu”
Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh vui mừng chia sẻ những bước phát triển đáng ghi nhận của Thành phố: “Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng, giữ vững vị thế “đầu tàu” phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Mặc dù bối cảnh chung vẫn đang còn nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế của Thành phố vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh |
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh, thành phố đã đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong nửa đầu năm ước đạt 567.648 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua mức tăng trưởng chung của cả nước là 6,42%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) cũng đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế trong nước, việc tham gia giao thương hàng hóa, hợp tác thương mại đa phương và song phương với quốc tế đã đem lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế.
Các chủ trương, đường lối chính sách đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tốt các đơn vị kinh tế và lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, cần có những giải pháp quyết liệt hơn để thúc đẩy sự tham gia của các chủ thể kinh tế; đồng thời tạo ra cơ chế cho phép doanh nghiệp tự phòng vệ trước các biến động kinh tế lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, việc thiết lập các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa được quốc tế thừa nhận sẽ giúp bảo vệ và phát huy lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh.
Giải pháp xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh
Với vai trò là Sở Giao dịch hàng hóa quy mô quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, liên thông với các Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới, đại diện Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc đã có bài tham luận với chủ đề: “Tầm nhìn quốc tế và quốc gia trong phát triển các ngành dịch vụ; mô hình phát triển ngành dịch vụ từ các thành phố, quốc gia và gợi ý cho TP. Hồ Chí Minh”.
Hiện nay, các nền kinh tế đã và đang phát triển trên thế giới đều có sự hiện diện của các Sở Giao dịch hàng hóa. Theo báo cáo giao dịch hàng hóa năm 2023 của Liên đoàn các Sở Giao dịch thế giới (World Federation of Exchange), quy mô giao dịch hàng hóa theo khu vực luôn ở mức rất lớn, với hơn 11 tỷ hợp đồng giao dịch đã khớp lệnh. Khối lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu năm 2023 tăng 27% so với năm trước, đạt giá trị 200 ngàn tỷ USD.
“Khi quy mô giao dịch ở mức cao, việc hình thành một thị trường giao dịch tập trung mang lại lợi ích thiết thực, tạo ra môi trường mà tất cả các đối tượng tham gia đều có thể tiếp cận dễ dàng và cập nhật thông tin thị trường mà không gặp bất kỳ trở ngại nào”, ông Nguyễn Đức Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam trình bày bài tham luận tại Hội thảo |
Trong lộ trình trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, Sở Giao dịch Hàng hóa tại TP.Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng và là giải pháp mang tính tổng thể, có thể giải quyết rất nhiều bài toán.
Thứ nhất, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hàng hóa ở mức cao nhất, đảm bảo hàng hóa Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tăng cường lợi thế cạnh tranh. Các chính sách đặc thù sẽ khuyến khích phát triển và giao dịch trực tuyến các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, mở rộng đa dạng các chủ thể quốc tế tham gia, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ hai, phương thức giao dịch hiện đại, có ký quỹ giao dịch đảm bảo nghĩa vụ trong mua bán hàng hóa, giảm thiểu rủi ro. Phương thức giao dịch này có những ưu điểm vượt trội hơn những hình thức giao dịch song phương truyền thống và thanh toán qua TT, LC,… thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế.
Thứ ba, tạo lập danh sách các chủ thể giao dịch uy tín, có năng lực cung ứng hàng hóa vượt trội, giúp phát triển lành mạnh mối quan hệ thương mại trong nước và quốc tế.
Thứ tư, Nhà nước có thể theo dõi, nhận diện vấn đề và chủ động kiểm soát các thông tin thị trường một cách chính xác. Từ đó đưa ra các chủ trương, chính sách nhanh nhạy và phù hợp với diễn biến thị trường hàng hóa, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ năm, kết nối các dịch vụ giữa thị trường tài chính và thị trường hàng hóa, tạo ra chuỗi dịch vụ tài chính, giao dịch hàng hóa tập trung, kiểm định và dịch vụ kho bãi vận chuyển, tăng hiệu quả đầu tư và kinh doanh, tối ưu bài toán chi phí cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.
Thứ sáu, thúc đẩy thị trường phát triển hiệu quả và minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm chi phí trung gian, đưa giá thành sản phẩm về đúng giá trị thực, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích dân sinh lâu dài và môi trường kinh doanh năng động cho TP. Hồ Chí Minh.
Thứ bảy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với thị trường hàng hóa vật chất bằng cách xây dựng chiến lược giám sát và hỗ trợ đặc biệt. Thông qua các chính sách mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, Nhà nước có thể điều tiết thị trường kịp thời, đảm bảo phản ứng nhanh chóng trước các biến động.