LTS: Ngày 6-9, Báo SGGP đã tổ chức Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”. Tham dự hội thảo có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức tài chính, các chuyên gia trong và ngoài nước, các hiệp hội doanh nghiệp… Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã có nhiều ý kiến thể hiện sự quan tâm đặc biệt, mong muốn thúc đẩy tài chính xanh và sớm hình thành thị trường carbon ở Việt Nam.
Đến năm 2025 mới thí điểm
Theo nhóm nghiên cứu Đại học Bristol (Anh) và Đại học Kinh tế TPHCM, đối với thị trường carbon, sự chú ý đang đổ dồn vào Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng chính thức từ năm 2026 và thí điểm từ tháng 10 năm nay. Nghiên cứu gần đây cho thấy, với việc thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, xuất khẩu của các công ty nhôm, thép có thể giảm đến 4%, kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,4%-0,8%. Trong khi đó, nếu Việt Nam có quy định về định giá carbon, một phần tiền thuế doanh nghiệp xuất khẩu đáng lẽ phải trả cho EU sẽ được giữ lại ở Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo về tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội từ thị trường carbon tự nguyện trong nước và quốc tế có giá trị khoảng 0,7-1,4 ngàn tỷ USD (theo tính toán của Ngân hàng Thế giới). Các chuyên gia cho rằng, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tuyên bố cam kết trung hòa carbon hay phát thải ròng bằng 0, nhu cầu cho thị trường tín chỉ carbon bù đắp phát thải đang tăng lên mạnh mẽ, nên việc thiếu vắng một thị trường carbon tại Việt Nam đã đẩy dòng vốn trong nước đến các thị trường trong khu vực.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tham dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Tại Việt Nam, theo TS Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, các hoạt động tham gia thị trường carbon quốc tế cũng đã được nhiều bên liên quan thực hiện thông qua các dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ những năm 2005 và sau này là các dự án được triển khai theo các cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS)… Tính đến cuối năm 2022, đã có tổng cộng 29,4 triệu tín chỉ carbon từ cơ chế CDM, khoảng 10 triệu tín chỉ carbon hình thành từ cơ chế GS, VCS. Để thực hiện hiệu quả và huy động các nguồn lực tham gia thị trường carbon, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã được thông qua, theo đó lần đầu tiên đưa ra quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước.
TS Nguyễn Linh Ngọc nhìn nhận, để có thể hưởng lợi từ việc tham gia thị trường carbon, Việt Nam cần xúc tiến triển khai nhanh hơn, hiện nay là quá chậm. Nếu chúng ta không khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì các cơ hội sẽ trôi mất, thậm chí gây nhiều bất lợi. Vị chuyên gia bày tỏ “rất sốt ruột” khi quy trình đến năm 2025 mới thí điểm và năm 2028 mới hình thành thị trường chính thức.
Nguồn: Nhóm nghiên cứu của Đại học Bristol (Anh) và Đại học Kinh tế TPHCM |
Góp ý cho các giải pháp để Việt Nam có thể tham gia thị trường carbon bền vững, TS Tô Xuân Phúc, Đại học Humboldt (Berlin, Đức), Giám đốc điều hành Tổ chức Forest Trends, cho biết, cần có cách hiểu thống nhất về thị trường carbon hiện nay. Hiện thế giới có hơn 170 loại tín chỉ carbon khác nhau, mức giá cũng rất khác nhau. Theo TS Tô Xuân Phúc, nhiều câu hỏi đang đặt ra cho Việt Nam, đó là cơ hội nào cho các bên đầu tư để tạo tín chỉ carbon; thị trường mua và bán tín chỉ carbon ở đâu, ai bán, ai mua; tín chỉ được Việt Nam công nhận thì có thể giao dịch quốc tế được hay không và ai sẽ công nhận?
Tiềm năng và cơ hội cho TPHCM
Từ năm 2010, TPHCM đã có kế hoạch đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, thực hiện giảm khí thải nhà kính theo Cơ chế phát triển sạch tại bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Theo thỏa thuận, Công ty KMDK (Hàn Quốc) thực hiện một dự án CDM tại bãi rác Đông Thạnh và trả cho TPHCM khoảng 3 triệu USD, nhưng do gặp khó khăn tài chính nên dự án đã không được triển khai. Không chỉ bãi rác Đông Thạnh mà một số lĩnh vực khác như chiếu sáng công cộng, xử lý nước thải thành nước tái sử dụng… cũng có thể triển khai theo hình thức CDM.
Trồng rừng ngập mặn Cần Giờ – bảo vệ lá phổi xanh cho TPHCM |
Theo các chuyên gia, tiềm năng tham gia các dự án CDM của TPHCM là rất lớn, không chỉ tăng thêm các giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn giúp thành phố thu được những khoản tiền không nhỏ. Th.S Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế TPHCM, thông tin, TPHCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13,5 triệu tấn. UBND TPHCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế – tương đương với khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Bristol và Đại học Kinh tế TPHCM đưa ra khuyến nghị, TPHCM cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng, đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty của những ngành chủ chốt. Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể tính toán con đường giảm phát thải trong thời gian tới. Bên cạnh đó, TPHCM cần lồng ghép các mục tiêu giảm phát thải cụ thể vào các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, cùng với đó là ưu tiên sử dụng các công nghệ sạch, ít phát thải; cần xây dựng sớm sàn trao đổi tín chỉ carbon để có thể sớm thí điểm vào năm 2025.
Nhóm nghiên cứu Đại học Bristol (Anh) và Đại học Kinh tế TPHCM mang tới hội thảo những kinh nghiệm thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển thị trường carbon ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), đó là: các công ty có hiệu suất quản trị môi trường kém sẽ bị hạn chế cho vay, các doanh nghiệp quản trị môi trường tốt thì được ưu tiên hơn; chính quyền cũng sẽ cung cấp dữ liệu môi trường cho các ngân hàng để quyết định điều chỉnh dòng vốn đến các công ty. Đặc biệt là kinh nghiệm của Singapore, Thượng Hải (Trung Quốc): thành lập các đơn vị chuyên trách thực hiện mục tiêu; xây dựng khu vực thí điểm chính sách, nghiên cứu đánh giá rủi ro, đưa ra các hướng dẫn và quy định; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đào tạo; nâng cao yêu cầu công bố thông tin…
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay rất nhiều câu hỏi đang đặt ra về phát triển thị trường carbon. Do đó, trong bối cảnh chung của Việt Nam, TPHCM cần áp dụng thử nghiệm một số nội dung. Chẳng hạn, hiện nay 65% phát thải carbon là từ năng lượng, vậy thì TPHCM cần có chính sách đặc thù trong phát triển năng lượng. TPHCM có thể tham khảo Singapore trong việc chi 5 triệu USD xây dựng trung tâm dữ liệu với toàn bộ nội dung liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh. Từ đó, các nhà đầu tư có đủ thông số đánh giá dự án xanh, phát triển bền vững.
Kết lại buổi hội thảo, nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP, gửi lời cảm ơn sự tham gia của lãnh đạo UBND TPHCM, đại diện các ủy ban của Quốc hội, bộ ngành, các chuyên gia và hơn 150 doanh nghiệp góp phần cho sự thành công của hội thảo. Với những ý kiến tâm huyết tại diễn đàn này, nhà báo Nguyễn Thành Lợi bày tỏ hy vọng các nội dung liên quan sẽ tiếp tục được đặt ra ở nhiều diễn đàn, nghị trường. Từ đó, tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon sẽ sớm trở thành chính sách cụ thể để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện, mang lại kết quả tốt đẹp.
Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI:
Lắng nghe để thiết kế chính sách
Rất hoan nghênh Báo SGGP tổ chức hội thảo, đặc biệt là khi hội thảo diễn ra trước thềm Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng 0” sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17-9 tới đây. Tôi tin rằng hội thảo sẽ mang lại đóng góp có giá trị cho nhận thức, hành động của TPHCM và Việt Nam về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững thời gian tới. Lãnh đạo TPHCM nhận thức rõ rằng, TPHCM cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh, tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho thành phố, từ đó đóng góp cho kinh tế cả nước. Hiện có những vấn đề nội tại mà nếu không chuyển đổi xanh, không có chiến lược bài bản, chính sách cụ thể lâu dài thì chắc chắn kinh tế TPHCM sẽ không có năng lực cạnh tranh mới, không thể đóng góp tốt cho kinh tế cả nước. Đó là “những thúc bách từ bên trong” của TPHCM, như giảm dần động lực tăng trưởng, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, yêu cầu cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học…
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi |
Cùng với nhận thức trên, TPHCM cũng xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận lãnh những nhiệm vụ đầu tiên, lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Thời gian qua, chúng tôi thấy rằng, trong định hướng chung, khung pháp lý chung của cả nước về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa nhiều. Do đó, TPHCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ chính thức công bố tại Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2023 diễn ra vào tháng 9 này. Về cơ bản trong khung chiến lược này, TPHCM xác định nguồn lực để thực hiện là tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối trong nước, hợp tác quốc tế. Hiện mặt bằng pháp lý cần nghiên cứu hoàn thiện hơn cho tài chính xanh.
TPHCM cũng mong muốn lắng nghe thêm từ hội thảo này, về kinh nghiệm huy động nguồn lực tài chính, huy động từ đâu, sử dụng như thế nào cho hiệu quả, kết nối nguồn lực cụ thể vào các chương trình, hành động cụ thể. Xác định lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững. Việc này, thời gian tới TPHCM sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp để thiết kế chính sách có trọng tâm, để quá trình này diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Một số trụ cột khác của khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của TPHCM là hạ tầng, hành vi, tuần hoàn tài nguyên. Trong trụ cột hạ tầng, TPHCM định hướng tập trung cho năng lượng. Hiện năng lượng sạch chỉ chiếm 14%, đến năm 2030 cũng chỉ tối đa 30%. Đi liền với những việc này là khung pháp lý, phát triển hạ tầng, hệ thống chính sách. TPHCM rất mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến của các nhà khoa học, tham vấn chính sách, để TPHCM dần hoàn thiện khung pháp lý. Từ đó, động viên cả khu vực công lẫn cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, trong đó truyền thông đi đầu cổ vũ, góp ý, thúc đẩy quá trình phát triển xanh bền vững của thành phố.
Tổng Biên tập Báo SGGP TĂNG HỮU PHONG:
Báo SGGP sẽ là cầu nối
Bước vào thế kỷ 21, trước những diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu, thế giới ngày càng quan tâm hơn đến môi trường. Theo số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và thiên tai; Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải carbon cao ở châu Á. Đây cũng là một thách thức khi Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26). Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết của Việt Nam giảm 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Theo một Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển xuất bản tháng 7-2022, Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam, theo đó cần triển khai nhiều chính sách và đầu tư công – tư để giảm cường độ carbon trong tăng trưởng. Ngân hàng Thế giới đã ước tính Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, trong đó đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và thêm 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư rất lớn trong gần 30 năm tới, trong khi nguồn lực của nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách đã tính đến xu hướng xanh hóa cho nền kinh tế, bao gồm nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến xuất khẩu, từ dịch vụ đến thương mại, và cả thị trường chứng khoán cũng như bất động sản buộc phải xanh hóa. Đặc biệt là TPHCM, địa phương được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, với cơ hội và thách thức đan xen khi đã được Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bằng Nghị quyết 98, TPHCM mong muốn có thể nhanh chóng phát triển một thị trường trái phiếu xanh để thu hút nguồn vốn quốc tế và trong nước, cũng như một thị trường tín chỉ carbon thông qua sàn giao dịch mua bán tín chỉ carbon, để kinh tế thành phố đạt được các mục tiêu phát triển và bền vững.
Báo SGGP, cơ quan của Thành ủy TPHCM, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ là cầu nối để các diễn giả, các doanh nghiệp, các chuyên gia đóng góp ý kiến, cùng các nhà quản lý và hoạch định chính sách tìm ra tiếng nói chung cho hành trình xanh của nền kinh tế.
Ông HOÀNG THÁI SƠN, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Tài chính:
Sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ TPHCM đi đầu
Bộ Tài chính được giao xây dựng thị trường carbon. Để đến năm 2025 có thể thí điểm thị trường giao dịch tín chỉ carbon thì các chính sách phải hoàn thành trước tháng 7-2024. Tất cả hàng hóa sẽ được mã hóa trước khi đưa lên thị trường, gắn kết vào sở giao dịch và lưu ký, thanh toán qua hệ thống thanh toán hiện đại.
Đối với TPHCM, với Nghị quyết 98/2023/QH15, chúng tôi mong rằng TPHCM sẽ đi đầu; dù chưa có thị trường carbon nhưng bước đầu có thể tạo ra hàng hóa để thí điểm các chính sách. Nếu TPHCM lập một tổ công tác để triển khai việc này, thì Bộ Tài chính và Bộ TN-MT sẽ tích cực phối hợp.
Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
TPHCM cần chủ động triển khai
Với Nghị quyết 98, TPHCM nên nhanh chóng triển khai để thiết lập thị trường tài chính xanh, tín chỉ carbon. Việc đầu tiên là phải có sản phẩm, ưu tiên sản phẩm đặc thù của TPHCM chứ không dàn trải. Theo tôi, TPHCM nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, khuyến khích nhu cầu cũng như cơ hội để mua bán. Ngoài thị trường tuân thủ, thì thị trường trao đổi tự nguyện cũng nên tận dụng các sở giao dịch có sẵn. Về phía cơ quan nhà nước, phải cố gắng hết sức để có được khung chính sách.
Ông NGUYỄN ĐÌNH THỌ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Bộ TN-MT:
Hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp
Từ tháng 10, Liên minh châu Âu thí điểm áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), yêu cầu các doanh nghiệp phải đẩy mạnh kiểm soát khí thải trong quá trình sản xuất. Đây là một thách thức vô cùng lớn, nhưng doanh nghiệp buộc phải tuân theo nếu muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu để thích ứng và cần phải đẩy mạnh đầu tư cho phát triển xanh. Bộ TN-MT cũng đã trình Chính phủ các quy định, hướng dẫn cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Ông NGUYỄN QUANG HUÂN, Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:
Xem xét xây dựng luật về biến đổi khí hậu
Qua thảo luận, có thể thấy rõ sự trăn trở của các đại biểu là yêu cầu vừa phát triển với tốc độ cao vừa giữ được phát triển bền vững, vừa thực hiện đúng cam kết về phát thải với quốc tế. Chúng ta cũng có quan điểm xuyên suốt là không đánh đổi môi trường lấy phát triển, đồng thời hướng đến chuyển dịch xanh, công bằng. Quá trình chuyển dịch không chỉ là cơ chế tài chính mà còn là quản lý, công nghệ. Với những kiến nghị của đại biểu tại hội thảo về việc xem xét xây dựng các luật, tôi cũng thông tin thêm rằng, Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đang nghiên cứu về việc xây dựng Luật Biến đổi khí hậu, thậm chí có luật về năng lượng tái tạo và sẽ thông tin cụ thể sau.
HẠNH NHUNG – MINH HẢI – MAI HOA